Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số, khẳng định vị thế là một trong những địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, đối với tỉnh Cao Bằng, dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị, bằng sự đổi mới, sáng tạo, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện trên cả 03 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Trong đó, xã hội số bao gồm công dân số, kết nối số và văn hóa số bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Chính quyền số ngày càng hoàn thiện, phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Kinh tế số, xã hội số có sự chuyển dịch, phát triển.

Các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ, đảm bảo kết nối liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành xuất sắc công tác làm sạch dữ liệu dân cư, đáp ứng tiêu chí “đúng - đủ - sạch - sống”, tạo nền tảng cho việc xây dựng các ứng dụng công nghệ phục vụ cộng đồng.

Ảnh màn hình 2024 12 06 lúc 19.24.37.png
Các cơ sở giáo dục chủ động bắt nhịp chuyển đổi số. 

Hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương không ngừng được mở rộng. Đến nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng Internet cáp quang tốc độ cao, đảm bảo kết nối ổn định và bền vững. Gần 89% dân số toàn tỉnh sử dụng điện thoại thông minh, 98% người dân đã đăng ký và sử dụng sổ sức khỏe điện tử. Đây là những con số ấn tượng, chứng tỏ sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân trong việc áp dụng công nghệ vào đời sống.

Trong lĩnh vực hành chính công, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh đạt 74,9% từ đầu năm đến nay là một con số đáng khích lệ, phản ánh chất lượng và hiệu quả ngày càng cao trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, 100% doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần giảm thiểu chi phí và tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Các tiện ích từ Đề án 06 được tích cực triển khai, đặc biệt là việc tích hợp, sử dụng dữ liệu dân cư trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, bảo hiểm và các dịch vụ công. Những nỗ lực này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền.

Nhằm tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, tỉnh đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực với phương châm "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm". Địa phương sẽ tập trung xây dựng các chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực hiện có, đảm bảo việc triển khai chuyển đổi số đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Cao Bằng sẽ chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc mở rộng mạng lưới viễn thông, xóa bỏ vùng lõm sóng di động, đảm bảo kết nối toàn diện trên toàn địa bàn.

An ninh mạng cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh, với kế hoạch rà soát, khắc phục các điểm yếu, xử lý kịp thời các nguy cơ đe dọa để đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục thúc đẩy các nền tảng số phục vụ du lịch, giáo dục và y tế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với những thành tựu đã đạt được cùng quyết tâm và tầm nhìn chiến lược, tỉnh Cao Bằng đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng một địa phương hiện đại, thân thiện và đáng sống.