Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU (7/3/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng về xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Cao Bằng triển khai đồng bộ, xuyên suốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tỉnh tập trung triển khai 5 nhóm tiện ích và 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Về chính quyền số, UBND tỉnh Cao Bằng bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi số, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiên phong trong thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh.
Các ứng dụng công nghệ được sử dụng ngày càng nhiều, có tính chuyên sâu, trở thành công cụ đắc lực trong giải quyết công việc của lãnh đạo và công chức, viên chức, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền.
Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100% góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Dữ liệu số từng bước được xây dựng, phát triển nhằm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
Theo thống kê mới nhất, từ ngày 15/12/2023 đến 15/6/2024, tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận 91.636 hồ sơ thủ tục hành chính, đã giải quyết 88.467 hồ sơ, trong đó: 87.158 hồ sơ đúng hạn, trước hạn; 2.098 hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn; còn 1,071 hồ sơ đang giải quyết.
Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đạt 65,7%; trong đó tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 69,49%, tỷ lệ hành chính hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính đạt 67,01%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 61,64%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 90%.
Đối với kinh tế số, trong tổng số 1.476 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 1.392 doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 1.324 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác 385.566 người (đạt 71%). Tổng số lượt người dân sử dụng dịch vụ mobile money đạt 55.264 lượt người (10,18%).
Hệ thống sàn thương mại điện tử Postmart được triển khai giúp kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, với 2.400 sản phẩm nông sản địa phương được hỗ trợ tiêu thụ thuận tiện, nhanh chóng.
Việc tích cực triển khai các nền tảng số trong quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản lý du lịch giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin về các điểm du lịch của tỉnh thuận tiện.
Về xã hội số, từ đầu năm 2024 đến nay, số công dân có tài khoản định danh điện tử tăng nhanh. 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu, 100% các cơ quan đơn vị có kết nối Internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện. Đến nay, 181/181 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã trang bị đầu đọc căn cước công dân gắn chip đạt 100%. Toàn tỉnh có 105.070 tài khoản cài đặt VssID trên tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân, tạo nền tảng triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ đó đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, từng bước thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền, mang lại cuộc sống tiện ích cho người dân.