Được người dân bình chọn, suy tôn là người có uy tín ở xóm Khưa Lốm, xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), thời gian qua, bà Nông Thị Phương không ngại khó, trực tiếp đến từng hộ gia đình trong xóm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến nhân dân.

Bên cạnh đó, bà cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương có giải pháp giúp người dân nâng cao nhận thức, đề xuất những giải pháp, mô hình phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, bà Nông Thị Phương tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác giảm nghèo của địa phương để về phổ biến cho người dân nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025; công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Bà cũng vận động người dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm giúp đỡ các gia đình khó khăn.... nhằm tạo kết quả giảm nghèo cao nhất.

Được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thuộc Dự án 6 về truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

cao bằng 2024
Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Cao Bằng năm 2024.

Điển hình ngày 5/11 mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 cho 160 cán bộ xã trên địa bàn tỉnh.

Các học viên tham gia khoá tập huấn được nghiên cứu các nội dung: Thông tư số 03/2024/TT- LĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; thẩm định và viết báo cáo đánh giá hoạt động giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; trợ giúp người nghèo tiếp cận thông tin, nguồn lực, chương trình chính sách và dịch vụ xã hội về giảm nghèo; phát triển cộng đồng trong giảm nghèo bền vững, tăng cường sự tham gia của người dân trong tổ chức và thực hiện kế hoạch phát triển cộng đồng.

Qua tập huấn đã trang bị cho cán bộ cơ sở về chính sách, chương trình dự án giảm nghèo để vận động, hướng dẫn, thúc đẩy người nghèo chủ động tiếp cận các nguồn lực, tích cực thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế gia đình phù hợp để vươn lên thoát nghèo.

Trước đó, vào tháng 10, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với Vụ An sinh xã hội và công tác xã hội của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 cho 46 đại biểu là cán bộ, lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 10 huyện, thành phố Cao Bằng. 

Lớp tập huấn giúp cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giảm nghèo các cấp nắm vững kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trong đánh giá, rà soát các tiêu chí phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo chính xác, từ đó làm cơ sở cho cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hằng năm đạt hiệu quả. Đồng thời hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thông tin, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền trong tỉnh vì mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.