Chuyển đổi số trong hoạt động thông tin, thư viện là quá trình số hóa các nguồn tư liệu hiện có trong các đơn vị thư viện, ứng dụng công nghệ số thích hợp để xử lý nguồn tư liệu số hóa đó cho tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thông tin, thư viện; tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thư viện, đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội. Qua đó, hình thành văn hóa số trong khai thác và sử dụng thông tin của cộng đồng xã hội.

Thực hiện Chương trình chuyển đối số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nỗ lực từng bước nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật, số hóa tài nguyên thông tin nhằm phục vụ kết nối liên thông, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy mô, đặc thù của từng loại thư viện, sớm hình thành thư viện điện tử, thư viện số.

Về lộ trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện, ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, thực hiện Dự án Chuyển đổi số thư viện công cộng tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030, hiện tỉnh đã tạm cấp 400 triệu đồng chuẩn bị thực hiện dự án trong năm 2022.

Ảnh màn hình 2024 12 09 lúc 13.11.41.png
Cao Bằng thực thiện chuyển đổi số trong hoạt động thông tin, thư viện. 

Thời gian qua, Sở triển khai thuê đơn vị tư vấn tham mưu xây dựng dự án, tờ trình về việc thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án. Sở đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, chỉnh sửa để hoàn thiện dự án và trình các cấp có thẩm quyền xem xét thẩm định, cho ý kiến phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện. Dự án sẽ chia 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 4,9 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2025, mua sắm trang thiết bị máy chủ, máy trạm ban đầu; mua sắm phần mềm quản lý thư viện; triển khai cài đặt hệ thống phần mềm quản lý thư viện; thực hiện số hóa 1.000 đầu sách; lắp đặt các hạng mục thiết bị phụ trợ.

Giai đoạn 2 từ năm 2025 - 2030, triển khai hạ tầng thiết bị an ninh thư viện; cài đặt hạ tầng an ninh thư viện RFID; thực hiện số hóa 1.500 đầu sách (căn cứ vào việc xử lý tài liệu tiền số hóa, hồi cố tài liệu); mua sắm, lắp đặt máy trạm, máy in mã vạch, đầu đọc mã vạch. Hướng dẫn sử dụng vận hành và bàn giao đưa vào sử dụng máy trạm và các thiết bị phụ trợ.

Theo ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Thư viện tỉnh Cao Bằng, toàn tỉnh hiện có 10 thư viện, trong đó có 1 thư viện tỉnh, 9 thư viện cấp huyện; 20 tủ sách đồn biên phòng, 149 điểm bưu điện văn hóa xã, 35 tủ sách xã, phường, 1 tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng. Do chưa có trụ sở riêng, hiện Thư viện tỉnh tạm thời sử dụng chung trụ sở với Trung tâm Văn hóa và Thông tin Du lịch tỉnh.

Đa số các thư viện huyện chưa có trụ sở độc lập, phải nhờ trụ sở UBND huyện, Trung tâm Văn hóa thông tin và Truyền thông huyện. Năm 2013, Thư viện tỉnh là một trong 40 thư viện tỉnh, thành phố tiếp nhận Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ dự án, tỉnh được tài trợ 230 máy tính cho 27 điểm thư viện công cộng, trong đó Thư viện tỉnh được cung cấp 40 máy tính, 1 máy in; 12 thư viện huyện mỗi thư viện được cấp 10 bộ máy tính, 1 máy in và các thiết bị phụ trợ; 14 thư viện xã mỗi thư viện được cấp 5 máy tính, 1 máy in và các thiết bị phụ trợ kèm theo. 

Tuy nhiên, đến nay các máy tính đều hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến phục vụ độc giả, người dân tại các điểm truy cập của dự án. Năm 2019, tỉnh được nhận xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup tài trợ. Trên xe trang bị 4.500 bản sách, 1 máy chủ, 6 máy tính xách tay kết nối Internet, máy chiếu, ti vi, máy phát điện, ổn áp, loa tăng âm, 100 ghế nhựa… phục vụ nhu cầu đọc sách, tiếp cận, khai thác thông tin của cộng đồng dân cư ở xa Thư viện tỉnh.