Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Hà Quảng, Trùng Khánh cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Cao Bằng chú trọng phổ biến thông tin về các chính sách, chương trình, dự án và hướng dẫn kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn hoặc hệ thống truyền thanh cơ sở. Các ngành chuyên môn, các địa phương tích cực hỗ trợ người nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống và sản xuất.

Thông qua mạng Internet, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về các chính sách của Đảng, Nhà nước; học hỏi kiến thức, mô hình làm kinh tế giỏi; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Nhờ đó đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện có nhiều điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng như chuyển phát thư, báo chí, bưu phẩm phục vụ người dân các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng, người dân có thể đọc sách, báo, tạp chí điện tử; truy cập Internet băng rộng để khai thác thông tin thiết yếu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những hoạt động này góp phần giảm nghèo về thông tin và thực hiện mục tiêu chuyển đối số tại các địa phương trong tỉnh.

Nhằm mở rộng diện tích phủ sóng loa truyền thanh và đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền, trong năm qua, tỉnh Cao Bằng đã bổ sung lắp đặt thêm các cụm loa truyền thanh thông minh tại những thôn chưa có loa hoặc thay thế cụm loa FM có dây cũ bị hỏng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Ảnh màn hình 2024 12 07 lúc 15.48.31.png
Mở rộng diện phủ sóng truyền thanh đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền.

Đơn cử tại huyện Trùng Khánh, với mong muốn người dân ở đâu, thông tin ở đó, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ Trung tâm Văn hóa và Truyền thông của huyện đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đây trở thành nơi điều phối chính của việc ứng dụng truyền thanh thông minh vào đời sống của bà con nơi vùng cao biên giới. 

Đài truyền thanh này dùng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, truyền và nhận thông tin qua mạng Internet nhờ sóng 3G, 4G, có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với truyền thanh không dây FM, đặc biệt đối với các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Đến hết năm 2023, Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh đã thực hiện hoàn thiện hệ thống đài truyền thanh cơ sở tại 19 xã, 2 thị trấn. 203 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông được lắp đặt tại 203 nhà văn hoá xóm hành chính trên toàn huyện, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm để giảm nghèo về thông tin cho người dân trên địa bàn. Hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ tại các điểm cung cấp thông tin công cộng tại ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tỉnh cũng dành kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở. Đưa các loại hình truyền thông phù hợp tới từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của các đài truyền thanh xã. Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Hỗ trợ tăng cường nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội...

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua thường xuyên tổ chức tập huấn giúp cho người nghèo, hộ nghèo thay đổi về nhận thức, cách nghĩ, cách làm để nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Cao Bằng phấn đấu hoàn thành mục tiêu 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm của Tiểu dự án 1 Giảm nghèo về thông tin, thuộc Dự án 6 Truyền thông giảm nghèo về thông tin trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 của tỉnh.