Một cậu bé ở Italia đã vô tình tạo nên kỳ tích, khi sống sót diệu kỳ sau 42 phút chìm nghỉm dưới nước.
Theo tờ báo Milan Chronicle của Italia, cậu bé Michael, 14 tuổi, đã cùng vài người bạn nhảy từ trên một cây cầu xuống kênh đào phía dưới và khổng nổi lên. Chân của Michael đã bị mắc kẹt vào thứ gì đó dưới nước, khiến các nhân viên cứu hộ và lính cứu hỏa địa phương mất gần một tiếng đồng hồ mới có thể giải cứu cậu bé khỏi tình trạng chìm nghỉm dưới nước.
Báo Time đưa tin, mặc dù Michael phải nhờ cậy tới các thiết bị hỗ trợ sự sống suốt một tháng liên tục, nhưng mới đây cậu bé đã tỉnh lại và dường như đang hồi phục tốt.
Tiến sĩ Zianka Fallil, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh tại Viện Sinh học thần kinh North Shore-LIJ (New York, Mỹ) nói, dù câu chuyện của Michael chắc chắn là khác thường, nhưng đây không phải lần đầu tiên có người vẫn sống sót sau khi bị chìm xuống nước tương đối lâu.
Ông Fallil giải thích, có 2 quá trình sinh lý học có khả năng xảy ra khi một ai đó bị chìm nghỉm dưới nước suốt một thời gian dài mà không có oxy. Quá trình đầu tiên gọi là "phản xạ lặn" hay phản ứng tim đập chậm - một phản ứng sinh lý học được ghi nhận xảy ra mạnh mẽ nhất ở các động vật thủy sinh có vú, nhưng cũng được tin là tồn tại ở cả con người.
Các nhà khoa học quan sát thấy, trẻ sơ sinh đã có phản xạ lặn: nín thở và mở mắt khi được nhúng chìm xuống nước. Khi mặt của một người bị ngập chìm trong nước, các mạch máu co siết lại và trái tim đập chậm lại đáng kể. Máu sau đó được chuyển hướng tới các bộ phận cơ thể cần chúng nhất. Cụ thể là, cơ thể tập trung bảo vệ bộ não, trái tim và các quả thận, trong khi giảm bớt lượng máu lưu thông đến tứ chi và các bộ phận kém quan trọng hơn.
Phản xạ lặn thường được trích dẫn như thứ cứu sống mọi người khỏi tình trạng gần chết đuối. Tuy nhiên, rất khó nghiên cứu phản xạ này ở người, có lẽ vì những nguy hiểm rõ ràng của việc tái tạo các trải nghiệm cận chết đuối trong phòng thí nghiệm.
Ông Fallil cũng chỉ ra một quá trình sinh lý học khác giúp mọi người sống sót khi chìm lâu dưới nước: sự hạ nhiệt có chọn lọc của bộ não. Giả thuyết là, bộ não càng hạ nhiệt nhanh bao nhiêu, khả năng sống sót của nó càng lớn bấy nhiêu.
Khi bạn chìm ngập trong nước lạnh suốt thời gian dài, cơ thể bạn có thể thực hiện nhiều quá trình cho phép máu đã hạ nhiệt tới não. Một trong các quá trình đó là sự giãn mạch máu do ứ đọng thán khí, hiện tượng xảy ra khi cơ thể giữ lại cácbon điôxit vì không thở. Lượng cácbon điôxit tăng thêm này khiến các mạch máu trong bộ não giãn mở, cho phép nhiều máu đã hạ nhiệt hơn tiếp cận bộ não.
Khi bị dìm xuống nước, trẻ sơ sinh đã có phản xạ lặn: nhịn thở và mở mắt. Ảnh minh họa: Word Press |
Mặc dù giả thuyết về sự hạ nhiệt bộ não có chọn lọc cũng chưa được kiểm nghiệm rộng rãi ở người, nhưng nó được coi là lời giải thích khả dĩ hơn phản xạ lặn cho việc bộ não có thể được bảo vệ trong suốt thời gian dài "khổ chủ" chìm nghỉm dưới nước như thế nào.
Theo ông Fallil, nhiều nghiên cứu cũng được tiến hành ở các nạn nhân suýt chết đuối, để xem ngoài các phản xạ của cơ thể, còn có các yếu tố nào có thể giúp con người sống sót. Và thứ duy nhất họ phát hiện có sự tương quan là thời gian bị chìm dưới nước. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Resuscitation năm 2002 phát hiện, nạn nhân sẽ có cơ may sống sót rất thấp nếu bị chìm nghỉm lâu hơn 10 phút.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không tìm ra bất kỳ sự tương liên mạnh mẽ nào giữa khả năng sống sót với nhiệt độ nước hoặc độ tuổi của nạn nhân suýt chết đuối. Vì vậy, các bài báo nêu rằng, cậu bé Michael có thể sống sót diệu kỳ sau 42 phút bị chìm nghỉm nhờ sức trẻ và nước tương đối lạnh trong kênh đào Milan hồi tháng 4, chỉ là phỏng đoán chưa hẳn chính xác.
Tuấn Anh (Theo Live Science)