Theo ghi nhận của PV VietNamNet, hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ đang tiến hành di chuyển các cây xanh không thuộc danh mục cây xanh đô thị và trồng thay thế bằng gần 50 cây giáng hương tại phố Vũ Tuấn Chiêu, thuộc không gian đi bộ Trịnh Công Sơn.
Trên vỉa hè phố Vũ Tuấn Chiêu (đoạn từ nút giao ngõ 612 Lạc Long Quân đến nút giao ngõ 6 Trịnh Công Sơn) có tổng cộng 75 cây, gồm: 20 cây giáng hương, 40 cây nhãn, 8 cây keo, 4 cây chiêu liêu, 2 cây bàng và 1 cây dướng.
Trong đó, hầu hết các cây không nằm trong danh mục cây xanh đô thị, cây cong, nghiêng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đặc biệt là cây nhãn.
Các cây nhãn trong khu vực được trồng cách đây khoảng hơn 20 năm, hiện đã già cỗi, cây có đường kính thân từ 30 - 55cm, chiều cao từ 5 - 8m, khoảng cách giữa các cây từ 4 - 6m, cây cong, nghiêng, rễ cây nổi qua thời gian gây bong bật, hư hỏng bồn cây, gạch lát vỉa hè…
Theo kế hoạch, quận Tây Hồ sẽ di chuyển 54 cây xanh gồm: 40 cây nhãn, 8 cây keo, 4 cây chiêu liêu, 2 cây bàng và chặt hạ 1 cây dướng, giữ nguyên 20 cây giáng hương đã có sẵn trên phố Vũ Tuấn Chiêu. Các cây xanh được di chuyển về trồng tại nút giao thông Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.
Ông Đỗ Văn Hiền, Tổ trưởng Tổ 7 (phường Nhật Tân) cho biết: "Khi khu dân cư nhận được thông tin về việc di chuyển, thay thế hàng cây trên phố Vũ Tuấn Chiêu, chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân hiểu chủ trương và thống nhất việc di chuyển hàng cây nhãn cũng như trồng mới cây giáng hương để đảm bảo cảnh quan đô thị cho tuyến phố đi bộ".
Chị Nguyễn Minh Nguyệt (phường Nhật Tân) cho hay, trước đây đường Vũ Tuấn Chiêu được người dân quen gọi là đường rặng nhãn.
"Những hàng cây trên tuyến đường này đã gắn liền với tuổi thơ của không ít người dân trong khu vực nên khi phải di chuyển, nhiều người sẽ tiếc nuối… nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp đến", chị Nguyệt nói.
Ông Trần Văn Quỳnh, Tổ trưởng Tổ 2 (phường Nhật Tân) cho rằng, việc trồng và thay thế cây nhãn bằng cây giáng hương phù hợp với không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
“Người dân trong tổ đều vui mừng vì tuyến phố có diện mạo mới, việc di chuyển cũng dễ dàng hơn vì thân cây giáng hương cao, không có cành nhánh lòa xòa, cản trở vỉa hè”, ông Quỳnh chia sẻ.
Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết: "Việc trồng, thay thế cây xanh đã được chúng tôi lấy ý kiến của các sở, ban, ngành và người dân trên địa bàn đều đồng ý. Nguồn kinh phí để thực hiện việc này từ xã hội hóa".
Dự kiến việc di chuyển cây xanh cũ và trồng cây mới hoàn thành trong tháng 4.