Chiều 16/8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp Hàn Quốc.

Nói về vướng mắc khi đầu tư tại TP.HCM, ông Cho Sung Yol, Tổng giám đốc Công ty GS E&C tại Việt Nam, cho hay, doanh nghiệp đang gặp hai vấn đề lớn.

Thứ nhất, việc thẩm định lại giá đất Dự án khu đô thị mới Nhà Bè Metrocity GS. 

Cụ thể, theo hợp đồng ký giữa GS E&C và UBND TP.HCM năm 2007, GS ứng trước chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thành phố thực hiện. Số tiền ứng trước này được cấn trừ vào nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án.

Năm 2014, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thời điểm thực hiện, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản xác nhận tổng nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan trực thuộc thành phố lại đơn phương thẩm định lại giá đất của dự án. 

Phía GS E&C cho rằng, nếu TP.HCM đơn phương thẩm định lại giá đất và yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm khoản chênh lệch thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và lòng tin của các doanh nghiệp FDI, trong đó có GS E&C.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc nêu kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM. (Ảnh: ITPC)

Nội dung này cũng đã được công ty kiến nghị tại buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố vào năm ngoái.

Doanh nghiệp đề nghị UBND TP.HCM sớm hoàn tất việc thẩm định lại giá đất, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tất nghĩa vụ tài chính trong phạm vi giá đất được xác định năm 2014 để dự án được triển khai đúng tiến độ.

Thứ hai, vấn đề chậm quyết toán chi phí xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TBO).

Năm 2016, GS E&C hoàn tất xây dựng và bàn giao tuyến đường này cho TP.HCM đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đã hơn 7 năm, nhưng việc quyết toán chi phí xây dựng tuyến đường vẫn đang bị trì hoãn, chưa hoàn tất.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam (KOCHAM), ông Choi Bundo, thông tin, một số công ty Hàn Quốc tại TP.HCM gặp khó khăn trong hoàn thuế GTGT, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. 

"Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cùng trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng khó hiểu là Tổng cục Thuế không chấp thuận hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp đã được cơ quan hải quan công nhận và cấp phép", đại diện KOCHAM phản ánh và đề nghị các nhà chức trách có thể xem xét và sớm đưa ra chỉ đạo.

Theo ông Shin Choong IL, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, các doanh nghiệp nước bạn chủ yếu phản ánh sự chậm trễ trong hoàn thuế; thủ tục rườm ra liên quan đến giấy phép đầu tư, chứng nhận quyền sử dụng đất...

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc chiều 16/8. (Ảnh: ITPC)

Sau khi nghe kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi khẳng định, một số vấn đề liên quan tới thẩm quyền của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, thành phố sẽ làm việc để có những kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Vừa qua, TP.HCM đã giải quyết được 13/21 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại địa phương. Trong 8 vấn đề còn tồn tại, có những vấn đề được chuyển tiếp từ các cuộc đối thoại trước. UBND TP.HCM sẽ có thông báo từng vụ việc để KOCHAM theo dõi, các doanh nghiệp nắm được tiến độ giải quyết.

"Với trường hợp Công ty GS E&C, tôi thực sự xin lỗi ông giám đốc. Có những vấn đề chuyển tiếp từ trước. Việc vướng trong thẩm định giá, đây là vấn đề khó, chưa có kết quả cuối cùng. Khi thành lập tổ thẩm định giá nên có nhà đầu tư cùng tham gia góp ý", Chủ tịch TP.HCM nói.

Việc thanh toán đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TBO), Chủ tịch TP.HCM cho hay, gần đây Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra nhiều dự án, trong đó có dự án này. TP đã làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính để có định hướng giải quyết cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng chia sẻ, thành phố rất mong muốn được lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư Hàn Quốc để có sự chuẩn bị và sẽ cùng nhà đầu tư Hàn Quốc ngồi lại với nhau ở thời gian thích hợp để xúc tiến. Thành phố hiểu rằng để thu hút các nhà đầu tư mới thì việc giải quyết các vướng mắc, hỗ trợ cho những đầu tư hiện tại cũng rất quan trọng.

Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại lớn của thành phố, đứng thứ 4/120 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn.

Trong năm 2022, có 125 dự án đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư Hàn Quốc vào TP.HCM, với tổng vốn đầu tư hơn 60,6 triệu USD (chiếm 10,25% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM).

Lũy kế đến nay, Hàn Quốc đã có 2.135 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD (chiếm 9,64% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM).