Gần 10 năm đàm phán như được dồn nén trong 6 ngày nước rút. Vì thế, tuyên bố kết thúc đàm phán TPP được đón nhận nồng nhiệt như một thành công mở ra chân trời mới cho nền kinh tế. Thỏa thuận lịch sử tạo ra một khu vực thương mại tự do nắm tới 40% kinh tế toàn cầu. Sự thay đổi sẽ có thể cảm nhận ngay trong tinh thần đàm phán, tất cả đều nhượng bộ để tất cả cùng thành công.
Vui mừng nhìn về tương lai
Mọi cuộc đàm phán hiệp định kinh tế đều gay cấn nhưng có lẽ TPP là gây cấn nhất khi nó hướng tới những thỏa thuận sâu rộng không chỉ về kinh tế và còn cả về xã hội, môi trường… và tất cả đều hướng tới tiêu chuẩn cao nhất.
Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. TPP cũng sẽ thiết lập các nguyên tắc đồng bộ trong các vấn đề sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, cởi mở thông tin trên Internet, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã và các hoạt động phá hủy môi trường.
Đại diện các nước tham gia đàm phán |
Ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới, đúng như ý tưởng ban đầu của Singapore.
Ngay sau khi kết thúc đàm phán, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có thông báo nhấn mạnh các lợi ích của hiệp định đối với các thành viên.
“TPP bao gồm các cam kết và môi trường thương mại tốt nhất trong lịch sử và những cam kết này có tính thực thi, không giống những thỏa thuận trước đây, TPP cũng thúc đẩy hệ thống Internet mở và miễn phí. Nó sẽ giúp tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đối tác và đồng minh trong khu vực quan trọng của thể kỷ 21”, trích thông báo của Tổng thống Mỹ
Theo phân tích của Tổng thống Mỹ, “Mức độ hợp tác của TPP tạo sân chơi cho người nông dân, chủ trang trại và các nhà sản xuất bằng cách loại bỏ hơn 18.000 loại thuế mà các quốc gia khác áp đặt lên sản phẩm của chúng ta", Nhà Trắng trích thông báo của ông Obama cho hay.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe đã hoan nghênh thỏa thuận này. Ông cho biết TPP "là thành quả lớn cho cả Nhật Bản và tương lai khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Còn bộ trưởng thương mại New Zealand, ông Tim Groser, một trong những nhà kiến tạo TPP, đánh giá tác động chiến lược của TPP đối với thương mại toàn cầu là vô cùng to lớn.
Theo New York Times, TPP được xem là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, hứa hẹn trở thành mô hình sẽ thiết lập tiền lệ cho hoạt động thương mại toàn cầu và các tiêu chuẩn liên quan tới người lao động.
Còn theo Financial Times, đây là một chiến thắng mang tính chiến lược và chính trị đối với cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nhượng bộ để tìm tương lại mới cho thế giới
Trong 6 ngày lịch sử vừa qua ở Atlanta, các nhà đàm phán đã làm việc thâu đêm để có được đồng thuận về ba vấn đề chínhlà vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.
Trong buổi họp báo kết thúc đàm phán, trưởng đoàn đàm phán Chile cho biết, sinh dược là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong cuộc đàm phán. Tuy nhiên, một kết quả cân bằng đã được xác lập.
Có vẻ như, tất cả đều hiểu rằng, cần phải có một sự nhượng bộ để đạt đươc đồng thuận chung mang lại lợi ích cho tất cả.
TPP là một sức mạnh kinh tế mới của toàn cầu |
Trước đó, vấn đề ôtô cũng là một cuộc đối đầu giữa Nhật Bản và Mỹ. Kết quả cuối cùng là Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường nội địa cho ôtô sản xuất từ Mỹ, ngược lại, Mỹ sẽ cắt giảm thuế ôtô từ Nhật trong khoảng 20 năm.
Vấn đề về các sản phẩm từ sữa giữa New Zealand (nhà cung cấp lớn của thế giới) với Nhật, Mỹ, Canada và Mexico cũng đã được chốt lại.
Thực tế, trong những ngày qua, đã có lúc tưởng như có thể ăn mừng và giờ họp báo công bố đã định sẵn nhưng lại bất ngờ khiến mọi việc phải hoãn vô thời hạn. Lịch làm việc đã kéo dài hết ngày thứ 6, qua ngày thứ 7, chủ nhật và đến tận sáng sớm thứ 2 mới có công bố cuối cùng.
Đàm phán căng thẳng tới mức khi các nước lớn đã ra điều kiện để tiếp tục đàm phán và chấp nhận đàm phán xuyên đêm với tinh thần nỗ lực đến phút cuối.
Ai cũng biết, nếu vòng đàm phán này không thành công, tiến trình có thể bị hoãn vô thời hạn khi nước Mỹ cầm trịch bước vào mùa bầu cử. Trong khi đó,ngày 5/10, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản cũng sẽ trở lại Tokyo để cải tổ nội các.
Bộ trưởngKinh tế Nhật Bản, ông Akira Amari đã nêu hai điều kiện với Mỹ khi bước vào đàm phán vẫn đề bảo hộ dược phẩm: Thứ nhất, đây là cơ hội cuối cùng, có nghĩ là phải chắc chắn đạt được thỏa thuận về dược phẩm. Thứ hai, vì lịch làm việc, Nhật Bản không chấp nhận thêm sự trì hoãn nào nữa.
Thực tế, việc các bên giữ quan điểm cứng rắn đối với những khúc mắc còn tồn tại, vốn đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, đã khiến các bên một lần nữa bỏ lỡ cơ hội kết thúc đàm phán TPP trong tháng 7/2015 như mục tiêu ban đầu.
Chính quyền Tổng thống Obama luôn tỏ ra sốt sắng muốn kết thúc các vòng đàm phán. TPP sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế nước này, xem đây là cách để mở cánh cửa các thị trường cho hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm dịch vụ tài chính và dược phẩm.TPP không chỉ là thỏa thuận về kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với nước Mỹ nói chung, bản thân Tổng thống Obama nói riêng.
Canada là quốc gia tỏ ra tích cực nhất trong việc đàm phán. TPP sẽ giúp quốc gia này có thêm khoảng 800 triệu bạn hàng mới, tạo ra hàng nghìn việc làm với mức thu nhập ổn định và Chính phủ Canada sẽ làm tất cả để hoàn thành mục tiêu này.
Đối với Nhật Bản, hiệp định TPP có thể tiếp tục thúc đẩy xu thế gia tăng dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào khu vực công nghiệp nặng Bắc Mỹ. Việc Mỹ giảm dần thuế nhập khẩu ô tô (2,5%) và xe tải hạng nặng (25%) sẽ giúp Nhật Bản gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
New Zealand với thế mạnh là sữa, luôn đòi hỏi những quyền lợi về lĩnh vực này. Quốc gia này đang đòi thêm quyền tiếp cận thị trường dễ dàng hơn vào các quốc gia như Mỹ, Canada và Nhật.
Có thể thấy, các nước đều nỗ lực cho một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Tính tổng cộng, TPP đã trải qua 10 năm đám phán. Hầu hết các nước đều mong muốn nhanh chóng chốt lại một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, mang tính thế kỷ. Và vì thế, vào phút cuối, tất cả đều nhượng bổ để đạt lợi ích chung.
TPP đã được bộ trưởng thương mại các nước ký kết. Vấn đề còn lại là quốc hội các nước nghiên cứu, rồi mới được ký phê chuẩn.
Ngọc Dũng - Duy Khánh