- Những chia sẻ của một cựu du học sinh Úc về cuộc sống của mình trên đất khách đã nhận được nhiều sự đồng cảm. Câu chuyện của chị cũng là một sự tham khảo quý cho những bậc phụ huynh và các em học sinh có ý định đi du học với khả năng tài chính hạn hẹp.

Vietnamnet xin trích đăng bài viết của chị Nguyễn Thị Anh Thư - cựu du học sinh Trường ĐH La Trobe (Úc).

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Anh Thư - cựu du học sinh Trường ĐH La Trobe (Úc), tác giả bài viết. Ảnh: NVCC

Ngày mới sang Úc học, khi đi chợ hoặc mua sắm tôi thường có thói quen quy đổi từ tiền đô la sang tiền Việt Nam. Ví như: “Mớ rau 3$, trời ơi, tận gần 60 ngàn đồng cơ á?”, “Tiền thuê nhà hết 450$/ tháng, tận 9 triệu cơ á?”, “Thịt gà 3$/ kg, chỉ có gần 60 ngàn đồng, cũng rẻ như ở Việt Nam nhỉ?”...

Thế nên, hồi ấy tôi khi mới sang, tôi khá nóng lòng muốn tìm việc đi làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt phí để khỏi phải xin tiền của bố mẹ (thích tự lập mà, với lại tiêu tiền bố mẹ gửi sang thì xót lắm). 

Nên, khi có kịp gặp gỡ những bạn đã sống ở đó lâu hơn và đã đi làm thêm rồi, tôi đều hỏi kinh nghiệm xin việc làm thêm. Bữa đó, tôi nhớ là trong khoảng một tuần đầu tiên của tôi ở Úc, gặp một cô bạn bằng tuổi, sau khi hỏi chuyện xong, cô bạn chào tạm biệt bằng câu nói: “Chào mừng bạn tới thế giới của du học sinh nghèo!”. Tới giờ tôi vẫn còn nhớ vẻ mặt, ánh mắt hóm hỉnh, dễ thương, trẻ trung và đầy năng lượng của cô bạn ấy. Tại thời điểm đó tôi chưa hiểu lắm, nhưng rất để tâm ghi nhớ nên câu nói đó đã đi theo tôi suốt chặng hành trình và tới tận bây giờ. 

Cho tới tận bây giờ, mỗi khi có học sinh hoặc phụ huynh hỏi tôi câu hỏi kiểu như rằng: “Nhà em chỉ có đủ tiền đóng tiền học phí cho em thôi, tiền sinh hoạt phí sau này em sẽ tự đi làm để trang trải có được không chị?”, tim tôi bỗng thắt lại. 

Ngày ấy, sau khi sang Úc một tháng, tôi xin được việc đi làm thêm, mừng lắm vui lắm! Việc đầu tiên tôi xin được là bán hàng quần áo tại chợ Victoria vào đầu mùa đông, bà chủ rất tốt, công việc rất thú vị, nhưng tôi không trụ được để qua hết mùa đông, mặc dù mùa đông ở đây không lạnh lắm. Nếu tôi nhớ không nhầm thì năm đó lạnh nhất chỉ xuống tới 0 độ.

Gian hàng của tôi ở ngoài trời, phía trên là mái tôn lợp cao, vào những ngày gió to, gió lùa khá mạnh. Có những ngày lạnh gió to, tôi mặc 2 quần, nhiều lớp áo, đi bốt cao, tay đeo găng, mũ phòng thủ đầy đủ, trong 8 tiếng làm việc, cố gắng đi liên tục loanh quanh trong quầy dù có khách hay không có khách để đỡ lạnh. Hỏi bà chủ có lạnh không, bà bảo: “Một chút thôi, quen rồi mà!”.

Sau một thời gian, mỗi ngày đi làm về tôi đều bị đau nửa đầu, nên tôi đã quyết định tìm một công việc khác có môi trường làm việc trong nhà để mùa đông đỡ lạnh và mùa hè thì đỡ nóng.

Hồi ấy hơi buồn một chút vì nghĩ: “Sao mình yếu thế? Sao mọi người chịu được mà mình không chịu được nhỉ? May mà không đi du học ở mấy vùng có tuyết như Canada”.

{keywords}
Nhiều du học sinh chọn cách đi làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt phí đắt đỏ. Ảnh minh hoạ

Lại nói về việc đi làm những ngày mùa đông, ca làm việc của tôi thường là 8h sáng, nên tôi phải ra khỏi nhà vào lúc 6h để đón tàu điện đi làm (vì đi làm sớm quá, nên giờ đó chưa có xe buýt). Từ nhà ra chỗ tàu điện, tôi đi bộ khoảng 10-15 phút, nản nhất là những ngày mùa đông lạnh giá, sương mù phủ trắng tầm nhìn. Nhìn cả chặng đường dài, không bóng người, trong lớp sương mù mờ ảo, thực sự chỉ muốn quay vào nhà trùm chăn ngủ tiếp. Nhưng làm sao có thể thế được, đã hẹn đi làm là phải đi chứ.

Có lần, đang đi một đoạn, bỗng tự dưng thấy một anh Tây trắng nhảy ra chặn đường hù một tiếng, giật mình nhìn vào cái người đó: Ôi trời ôi, mùa đông như thế mà người đó mặc mỗi áo, đi giày thể thao... và không mặc quần! Con bé sợ quá hét ầm lên chạy thục mạng… Đấy, ở một trong những thành phố an toàn nhất thế giới mà còn có những chuyện thế này xảy ra sao? 

Mọi chuyện ổn hơn, khi tôi tìm được chỗ làm gần nhà, không phải dậy quá sớm, không phải làm ở ngoài trời nữa. Cũng là một công việc đi bán hàng, thu ngân, nhưng mỗi khi không có khách thì tôi thường làm công việc dọn dẹp và sắp xếp. Có lần bê vác thế nào, mà tự dưng bị giãn dây chằng lưng, phải nằm bẹp một ngày mới vận động bình thường được.

Khổ nhất, là sau đó không dám tiếp tục công việc cũ, vì cái bệnh này nhiều khi chỉ vặn người hoặc tư thế không phù hợp là lại bị tái phát. Thế là chưa bao giờ tôi nghèo tới thế, trong tài khoản ngân hàng còn đúng 46 đô la, và nghĩ: “Mình thật vô dụng và yếu đuối. Chắc lần này phải gọi điện về xin tiền bố mẹ thôi. May mà bố mẹ mình có tiền, nếu phải ai mà bố mẹ họ cũng không có tiền thì họ phải làm sao nhỉ?”. Nhưng may mắn tới, tôi lại xin được một công việc liên quan tới làm sổ sách, nên cuối cùng vẫn không phải nhờ tới bố mẹ. Đúng là vạn sự khởi đầu nan, công việc sau lại tốt hơn công việc trước. 

Có một lần, tụ họp ăn uống cùng hội sinh viên người Việt Nam, có một em trai có một vết bỏng dài trên tay, mọi người hỏi sao thế, em vui vẻ bảo: “Tai nạn nghề nghiệp, em không cẩn thận bị cái hóa chất nó chảy vào tay ấy mà!”. Đúng vậy, cũng giống như tôi, chuyện đi làm thêm gặp tai nạn chút thế cũng là thường tình thôi mà.

Tôi nhớ mãi một câu chuyện, có một người bạn của chị bạn tôi cũng đi Úc học. Nhà vay tiền cho đi học, nên anh ấy đi làm chăm lắm, không phải 20 tiếng một tuần đâu, chắc phải hơn thế rất nhiều, nhất là tới mỗi kỳ trả nợ.

Chị kể có một giai đoạn, không biết anh làm công việc gì mà mà tan ca muộn lắm, chắc phải sau 12h đêm. Mà chỗ làm thì xa nhà xa trường, không có xe ô tô, nên làm xong anh ngủ luôn trên ghế đá công viên rồi để sáng hôm sau đi học luôn. Thế rồi cuối cùng anh ấy cũng trả hết nợ, học xong và có được thẻ thường trú nhân dài hạn (PR). Không rõ chuyện đó thực hư ra sao, nhưng cũng thật khâm phục anh ấy! 

Quay lại với câu hỏi của em học sinh: “Nhà em chỉ có đủ tiền đóng tiền học phí thôi, tiền sinh hoạt phí sau này em sẽ tự đi làm để trang trải có được không chị?” Tôi trả lời rằng: “Về lý thuyết, thì nếu đi làm thêm 20 giờ một tuần, và được trả mức lương theo tiêu chuẩn, thì em có thể trang trải được tiền sinh hoạt phí. Nhưng nếu em không xin được việc làm thêm hoặc sức khỏe em không đủ tốt hoặc gặp tai nạn và bị gián đoạn công việc, thì phương án của em là gì?”...

Nguyễn Thị Anh Thư (Cựu sinh viên Trường ĐH La Trobe, Úc)

Hé lộ những chuyến mua sắm đặc biệt của du học sinh Trung Quốc tại Mỹ

Hé lộ những chuyến mua sắm đặc biệt của du học sinh Trung Quốc tại Mỹ

Họ là những sinh viên quốc tế người Trung Quốc đang học tập ở Mỹ - những khách hàng đang được săn đón ngày càng ráo riết của các thương hiệu thời trang sang trọng nhất thế giới.

Cú sốc của nữ sinh Việt lần đầu đến Nhật du học

Cú sốc của nữ sinh Việt lần đầu đến Nhật du học

Để đủ tiền sinh hoạt tại Nhật, chị Mai đã phải mua gạo giá rẻ, cà chua bị dập và trứng gà giảm giá… để tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy chị đã hoàn thành 4 năm học.

Du học sinh VN đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ

Du học sinh VN đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ

Năm học 2017–2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ với 24.325 người.

"Đi du học, em không ngại trình bày ý tưởng khác thường"

"Đi du học, em không ngại trình bày ý tưởng khác thường"

Phụ huynh luôn muốn con học ở môi trường tốt, đặc biệt khi giáo dục Việt Nam chưa thực sự "đủ đầy" thì du học đang đáp ứng mong mỏi này.

Con các "sếp" giáo dục háo hức du học nước ngoài

Con các "sếp" giáo dục háo hức du học nước ngoài

Cách đây không lâu một vị hiệu trưởng trường đại học khá nổi tiếng đăng tải lên Facebook "Chúc mừng con gái học đại học ở Mỹ".