Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20.11.2014 có nhiều thay đổi theo hướng bổ sung quyền lợi cho người lao động, trong đó cách tính chế độ hưu trí mới được thực hiện từ 1/2018 đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động, nhất là những người cận kề hội tụ đầy đủ các điều kiện nghỉ hưu theo quy định.

Để người lao động tham khảo thêm khi quyết định sẽ nghỉ hưu trong năm 2017 hay từ năm 2018 trở đi, xin trao đổi mấy ý kiến sau đây:

Trước hết, cần nắm rõ quy định về cách tính lương hưu từ ngày 01/01/2018, cụ thể đó là Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng:

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

{keywords}

Công nhân tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (Ảnh minh họa, nguồn: Nhân dân)

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

4. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.

5. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.

Như vậy, tác động đến tỷ lệ hưởng lương hưu chủ yếu là lao động nữ, bởi 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2% thay vì 3%, cho nên phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa là 75%, không phải 25 năm như hiện tại.

Còn đối với lao động nam, tỷ lệ tính thêm vẫn như cũ, chỉ khác là mức khởi điểm 45% tăng dần hàng năm (năm 2018 là 16 năm cho đến năm 2022 trở đi là 20 năm), do đó lao động nam sẽ giảm mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo Điều 58 (cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% - NV).

Từ thực tiễn đó, theo cá nhân tôi, lao động nam không cần phải phân vân khi nghỉ hưu năm 2017 hay từ năm 2018 trở đi mà nên làm việc đến khi đủ 60 tuổi hãy nghỉ hưu là lợi nhất.

Tính theo khoản 2, Điều 56 thì đối với lao động nữ nếu vì lý do sức khỏe, có đủ 25 năm đóng BHXH và tuổi đời nằm trong phạm vi đủ 52, 53, 54 tuổi thì nên cân nhắc có thể nghỉ hưu trong năm 2017 để có tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn năm sau (tất nhiên phải suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo Điều 55).

Ví dụ: Một lao động nữ đến tháng 6/2017 đủ 54 tuổi và 24 năm đóng BHXH. Nếu thời điểm đó suy giảm sức khỏe 61% và nghỉ hưu thì mức lương hưu sẽ là 70% mức bình quân tiền lương, tiền công đã đóng BHXH (do trừ 3% về thời gian đóng thiếu 1 năm và trừ 2% nghỉ trước 1 tuổi). Còn chờ đến tháng 6/2018 đủ 25 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì sẽ hưởng mức lương hưu bằng 65% mức bình quân tiền lương, tiền công đã đóng BHXH (vì 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%, từ năm thứ 16 mỗi năm tính thêm 2%).

Trường hợp đủ 47 đến đủ 51 tuổi thì không nên giám định nghỉ hưu trước tuổi, bởi như vậy sẽ chịu nhiều thiệt thòi do hưởng mức lương hưu thấp so với nghỉ đúng tuổi theo quy định vì mỗi năm nghỉ trước tuổi sẽ trừ 2%.

(Theo Lao Động)