CTCP Chứng khoán VIX (VIX) hôm 19/10 công bố thông tin cho biết, Hội đồng quản trị (HĐQT) doanh nghiệp này đã nhất trí bầu bà Nguyễn Thị Tuyết làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 2/11 cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021-2026.
Bà Tuyết hiện là Phó chủ tịch VIX, sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch thay cho bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết là chị gái đại gia có tiếng Nguyễn Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex (GEX).
Nhóm nhà đầu tư liên quan tới ông Tuấn Gelex gần đây liên tục mua vào cổ phiếu VIX. Mới đây nhất, bà Dương Thị Hồng Hạnh (vợ ông Tuấn Gelex) mua thành công 10 triệu cổ phiếu VIX trong khoảng thời gian 19/7 đến 17/8.
Hiện nhóm cổ đông liên quan tới bà Tuyết và ông Tuấn nắm giữ tổng cộng trên 25% vốn của Chứng khoán VIX.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Tuyết nắm giữ gần 21,4 triệu cổ phiếu VIX, tương đương 3,67% cổ phần. Ông Nguyễn Văn Tuấn nắm giữ hơn 87,4 triệu cổ phiếu VIX (hơn 15%). Em dâu bà Tuyết và là vợ ông Tuấn - bà Dương Thị Hồng Hạnh - nắm giữ 21,2 triệu cổ phiếu VIX (3,64%).
Cũng theo thông tin từ Chứng khoán VIX, ông Trương Ngọc Lân được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc từ ngày 19/10. Ông Lân từng là Tổng giám đốc Chứng khoán An Bình, trước khi về VIX.
Bên cạnh đó, Chứng khoán VIX cũng bổ nhiệm ông Thái Hoàng Long làm Phó Tổng giám đốc.
Cổ phiếu VIX giảm mạnh trong gần 1 năm qua, từ đỉnh cao gần 26.000 đồng/cp xuống mức dưới 8.000 đồng/cp như hiện tại.
Trong quý II/2022, Chứng khoán VIX ghi nhận kết quả kinh doanh không khả quan với lợi nhuận giảm 47% so với cùng kỳ, xuống còn 70%.
Tới quý III/2022, Chứng khoán VIX báo lợi nhuận sau thuế giảm hơn 40% so với cùng kỳ, từ mức 147,6 tỷ đồng xuống còn gần 88,1 tỷ đồng do lãi từ các tài sản tài chính, doanh thu môi giới và doanh thu từ tư vấn, bảo lãnh,... giảm mạnh.
Lũy kế 9 tháng, Chứng khoán VIX ghi nhận lợi nhuận sau thuế là hơn 414 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 574 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo quý III/2022, Chứng khoán VIX ghi nhận trái phiếu dài hạn giảm từ mức 500 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 200 tỷ đồng.
Sau sự cố Tân Hoàng Minh với việc cựu chủ tịch Đỗ Anh Dũng bị bắt và khởi tố, hàng loạt đại gia Việt nhanh tay mua trước hạn trái phiếu doanh nghiệp trước khi Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9.
Hồi đầu tháng 9, HĐQT CTCP Chứng khoán VIX đã thông qua phương án mua lại trước hạn lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm) phát hành ngày 4/10/2021. Trước đó, DN này cũng đã mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn phát hành ngày 5/4/2021 và đáo hạn ngày 5/4/2024.
CTCP Tập đoàn Gelex của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn trong vài tháng qua đã mua lại trước hạn tổng cộng khoảng hơn 1.600 tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 65 là: doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Không chỉ Gelex, ngay trước khi Nghị định 65 được ban hành và có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã nhanh tay mua trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, như trường hợp: Hoàng Anh Gia Lai; Cơ điện lạnh REE; TCBS…
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 3 quý đầu năm 2022 tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lên hơn 142.200 tỷ đồng, tăng tới 67% so với cùng kỳ năm trước.
Gelex là doanh nghiệp nổi lên trong vài năm gần đây sau nhiều vụ thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực dây và cáp điện, thiết bị điện và mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thông qua M&A. Sau 5 năm tái cấu trúc (M&A, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị thành viên), GEX đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings. Gelex gần đây lấn sang lĩnh vực mới: điện gió, với mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 MW vào năm 2025.
Đi đôi với các thương vụ M&A, Gelex ghi nhận tổng tài sản và nợ tăng mạnh.