Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả số tiền chênh lệch tăng thêm của kỳ lĩnh lương tháng 7 ngay trong tháng 8. Việc này nhằm đảm bảo chế độ, chính sách cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng.
Theo Nghị định 42, từ ngày 1/7 lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng tăng lên 12,5-20,8% so với mức hiện hưởng, tùy từng nhóm.
Thế nhưng Nghị định 42 tới ngày 14/8 mới có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang lấy ý kiến, tới ngày 7/8 mới hết hạn. Vì vậy 3,4 triệu người về hưu, hưởng trợ cấp BHXH chưa nhận được tiền lương tăng thêm.
Trước đó, BHXH Việt Nam thông báo chi trả theo mức cũ trong kỳ lương hưu tháng 7, 8. Đến tháng 9, người về hưu sẽ được truy trả toàn bộ phần tăng thêm của hai tháng này.
Theo Nghị định 42, các mức điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng được quy định cụ thể như sau:
Tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng theo quy định tại Nghị định này đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108 của Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.
Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng theo quy định tại Nghị định này chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (trừ người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng) trước ngày 1/1/1995. Sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 42 nêu trên nếu có mức hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/người/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 2 lần.
Tăng thêm 300 nghìn đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2,7 triệu đồng/người/tháng.
Tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng.