Mỗi khi xuất hiện tình trạng ùn tắc trên các tuyến cao tốc như: Pháp Vân - Cầu Giẽ- Ninh Bình; Vành đai 3 trên cao, nhiều tài xế ô tô lại thản nhiên điều khiển xe đi vào làn khẩn cấp để đi nhanh hơn. 

Theo ghi nhận trong giờ cao điểm buổi sáng và chiều tại đường Vành đai 3 trên cao, có hàng chục ô tô đủ loại từ xe khách, ô tô con, xe tải đi vào làn khẩn cấp. Vì sợ bị xử phạt, nhiều tài xế đã đánh võng, luồn lách liên tục ra, vào các làn đường trên tuyến Vành đai 3. Việc này khiến những tài xế chấp hành nghiêm quy định về giao thông cảm thấy ức chế vì những kiểu "tạt đầu, chèn ngang", đồng thời còn khiến tình hình giao thông hỗn loạn.

W-xe-di-lan-khan-cap-9-1.jpg
Hàng dài ô tô nối nhau đi vào làn khẩn cấp tại đường Vành đai 3 trên cao

Anh Công Quốc Hùng, tài xế xe khách chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An chia sẻ, việc xe con, ô tô khách loại lớn luồn lách, vượt phải trong làn khẩn cấp tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông.

"Làn khẩn cấp trên cao tốc có diện tích nhỏ, chỉ dành cho xe ưu tiên lưu thông và các ô tô gặp sự cố dừng đỗ nhưng các tài xế ý thức kém thường lợi dụng làn đường thông thoáng này để vượt xe khác, rất dễ gây va chạm", anh Hùng cho biết.

Cũng theo tài xế Công Quốc Hùng, bản thân từng suýt gặp nạn khi một ô tô tải cố tình vượt xe trong làn khẩn cấp tại đường Vành đai 3 trên cao (đoạn qua địa phận quận Hoàng Mai, Hà Nội). 

W-chiem-lan-khan-cap-3-1.jpg
Xe khách đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình

Đáng nói, hành vi "chiếm" làn đường khẩn cấp còn cản trở các phương tiện ưu tiên đi thực hiện nhiệm vụ.

Anh Mai Thanh Tuấn, lái xe cấp cứu kiêm nhân viên sơ cứu cho biết, với đặc thù vận chuyển các nạn nhân bị tai nạn nên bản thân anh thường xuyên gặp những ca bị nặng. Các ca cấp cứu này cần thời gian đi trên đường rất nhanh. Tuy nhiên, theo anh Tuấn, tuyến Vành đai 3 trên cao là trục đường "khó" đi nhất với các tài xế lái xe cấp cứu.  

“Mặc dù là đường cao tốc, có làn khẩn cấp nhưng lại bị các loại xe khác tràn vào giành làn đường này”, anh Tuấn nói.

Cũng theo anh Tuấn, nhiều trường hợp tài xế ô tô nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu, đèn ưu tiên xin đường từ xa nhưng họ nhất quyết không nhường đường.

“Tôi thường xuyên phải mở loa to nhất, đọc rõ cả biển số xe và xin họ nhường đường để di chuyển. Thậm chí, nhiều tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại hay bật loa nghe nhạc rất to, phớt lờ tín hiệu xe ưu tiên”, tài xế Tuấn bức xúc nói.

di-vao-lan-khan-cap-vanh-dai-3-6-1.jpg
CSGT thường xuyên tuần tra, xử phạt các tài xế đi vào làn khẩn cấp Vành đai 3 trên cao

Khi gặp các trường hợp như vậy, anh Tuấn chỉ mong các lái xe phía trước chứng kiến được cảnh người bệnh nằm trong xe cấp cứu thoi thóp thở ôxy. Xe cấp cứu lẽ ra được đi nhanh nhất tới bệnh viện lại phải đi chậm nhường đường.

“Họ không thể hiểu được cảm xúc của chúng tôi khi rơi vào hoàn cảnh đó. Đã có những lúc, tôi bị người nhà bệnh nhân thúc giục phải đi nhanh lên, phải lách ra để đi… nhưng đành bất lực”, lanh Tuấn kể lại.

Là một người lái xe cấp cứu, thường xuyên phải sơ cứu, chạy đua thời gian vận chuyển ca bệnh nặng, anh Tuấn mong các tài xế tuân thủ luật giao thông, đừng vì muốn nhanh cho mình mà bất chấp quy định.

Hiện tượng đi vào làn khẩn cấp cũng xảy ra phổ biến ở các tuyến cao tốc, nhất là những tuyến không có camera, không phạt nguội.

Theo ghi nhận, thời điểm các tài xế tràn vào làn khẩn cấp nhiều nhất chính là những lúc xảy ra ùn tắc, sự cố giao thông trên tuyến. Thời điểm này, thay vì đi đúng làn, nhường làn khẩn cấp cho các phương tiện cứu nạn, cứu hộ thì nhiều tài xế lại "nhảy" chiếm làn đường khẩn cấp. Khi bị xử phạt, những tài xế này lý giải rất đơn giản, "thấy đường tắc, đi vào làn đường khẩn cấp để thoát cho nhanh".

Liên quan đến hành vi điều khiển ô tô vào làn khẩn cấp Vành đai 3 (Hà Nội), đại diện Đội CSGT đường bộ số 6- Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, thói quen đi vào làn khẩn cấp của một số tài xế ô tô cần phải xử lý nghiêm. Vì vậy, các đơn vị của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát để xử lý nghiêm tài xế vi phạm.

"Chúng tôi thường xuyên bố trí cán bộ, chiến sĩ đi xe mô tô tuần tra trên tuyến đường này để ghi nhận vi phạm. Khi không thể dừng xe ngay để xử lý thì chúng tôi ghi hình và gửi thông báo phạt nguội.", đại diện Đội CSGT đường bộ số 6 thông tin.

Ngoài ra, với các tuyến cao tốc, lực lượng CSGT sẽ áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiến quyết xử phạt, xử lý nghiêm vi phạm này.

Theo quy định tại Nghị định 100, tài xế điều khiển phương tiện vào làn khẩn cấp sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.