Tuy đóng góp nhiều cho sự phát triển của nông nghiệp, lượng hàng hoá sản xuất lớn, nhưng mức thu nhập thực tế của nông dân ĐBSCL lại thấp.

Tận mắt xem ĐBSCL bị 'nuốt chửng'

Phóng sự ảnh: Một phần đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất?

Phụ thuộc thiên nhiên

Đi dọc con mương trong rừng tràm ngập mặn, cậu bé Nguyễn Văn Trong mải miết nhặt vỏ chai nhựa bán lấy tiền giúp gia đình tại ấp Chà Và, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, Cà Mau. Mỗi ngày cậu kiếm được từ 20 – 50 nghìn đồng.

Cà Mau có hơn 34 nghìn hộ nghèo, chiếm 12% và hơn 17 nghìn hộ cận nghèo, chiếm 6% số hộ dân của tỉnh. Xa trung tâm tỉnh lỵ, hạ tầng đô thị, công nghiệp thiếu và yếu, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, Năm Căn còn chịu một địa hình chia cắt khá mạnh bởi hệ thống sông, rạch, kênh mương chằng chịt, diện tích nước nhiễm mặn cao...

{keywords}

Cậu bé Nguyễn Văn Trong. Ảnh: Hoàng Hường

Một bộ phân dân cư gắn với cuộc sống lênh đênh trên sông nước, dân nhập cư tự do ồ ạt đổ về, việc làm không ổn định, không đất canh tác, không phương tiện sản xuất. Những hộ nghèo ở đây thường thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất mà lại đông con. Trình độ học vấn thấp, thiếu kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, thiếu kinh nghiệm làm ăn... là những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo triền miên.  

Ở TP Rạch Giá, Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Nga cũng đi nhặt rác kiếm sống. Bà thuộc nhóm người “di cư liên tục” khá phổ biến ở ĐBSCL. Những người như bà không có đất sinh sống, làm nhà tạm bằng cây và lá dừa ở các ven sông. Khi nước lên ngập hoặc cuốn trôi nhà, hoặc nhà sụp, lại bỏ đi chỗ khác. Cuộc sống phụ thuộc vào dòng nước lên xuống. 

Cuộc sống của chúng tôi ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào sông nước. Ngày nước lên tôi đi quăng lưới đánh cá, ngày cạn thì tôi đi làm thuê làm mướn. Ai thuê gì làm nấy!” Nguyễn Văn Thời, thị trấn Năm Căn chia sẻ. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp của nông nghiệp trong GDP của vùng ở mức cao.  Tuy nhiên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. 

Được coi là ‘bát cơm vàng’ của cả nước và đóng góp nhiều đối với sự phát triển của nông nghiệp, song hiện nay vẫn còn 2/17 triệu người thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là người nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của vùng thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, khoảng 34,6 triệu/người/năm.   

Có nhiều lý do khiến đời sống của người dân thấp, dù sản lượng nông sản đồng bằng này là rất cao. Một trong những vấn đề lớn, cần những chính sách vĩ mô nhưng chưa có những chiến lược quốc gia để nâng cao thương hiệu nông sản. Mặc dù lượng hàng hoá sản xuất lớn, nhưng mức thu nhập thực tế của nông dân lại thấp.

{keywords}
Nuôi và khai thác thủy hải sản là một phần kinh tế quan trọng của ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Hường

Ông Nguyễn Văn Chủng, chủ cơ sở xay xát Út Chủng, tại ấp 1 xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp chia sẻ: nông dân phải chịu quá nhiều áp lực và rủi ro, cả từ điều kiện tự nhiên và thị trường.

Trong nhiều năm, giá lúa luôn thấp hơn chi phí. Vật tư nông nghiệp, công chăm sóc, khâu bán hàng phải qua nhiều trung gian khiến chi phí càng cao lên.

Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thành – Xã Bình Thành - huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp thì cho rằng Nhà nước có chính sách hỗ trợ tạm trữ lương thực; trên thực tế chính sách này – theo ông Đời –chỉ có lợi cho doanh nghiệp, chứ nông dân không được hưởng, thậm chí khó khăn hơn. Chính sách này khiến doanh nghiệp có thể  ép nông dân với giá thấp, sau đó trữ lại và bán ra với giá cao. Kết quả là người dân lúc bán thì rẻ, lúc mua lại đắt, khó khăn chất thêm.

Ngoài ra những lý do xã hội như người dân di cư, không có đất canh tác hoặc tăng dân số là vấn đề lớn khác. Trên thực tế, nhiều gia đình đến thế hệ thứ ba là vấn đề đất đai trở nên căng  thẳng, không đủ để chia cho con cái, tạo ra một nhóm lao động dôi dư, và nhóm này thuộc diện nghèo.

Phần khác, do đặc thù vùng sông nước, cuộc sống người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Làm ruộng hay nuôi trồng thuỷ sản đều trông chờ vào điều kiện thời tiết. Mùa nước nổi kéo dài và hiện tượng ngập lũ khiến đời sống người dân không ổn định. Tỷ lệ nhà tạm, lụp xụp ở ĐBSCL lớn nhất nước (38%). Những ngôi nhà chênh vênh bên sông hoặc các kênh mương ngập rác, có thể bị trôi đi  hoặc sạt lở bất cứ lúc nào. Cuộc sống người dân – do đó – cũng chênh vênh theo.

Theo GS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP.HCM, dù ĐBSCL có lực lượng lao động dồi dào (lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của vùng năm 2012 khoảng 10.408 nghìn người, chiếm 59,8% dân số); nhưng hầu như đều không được dạy nghề. Họ làm nông theo truyền thống, hoặc làm thủ công, dẫn đến kết quả dù công sức bỏ ra rất lớn, nhưng thu nhập thấp.

Sự hạn chế này cũng khiến họ không tiếp cận được kinh tế thị trường, không chủ động được việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá; phải thụ động chấp nhận thiệt thòi từ nhiều khâu trung gian.

{keywords}
Cuộc sống 'phụ thuộc hoàn toàn vào sông nước' của người dân ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Hường

Vật lộn ở nơi trù phú nhất

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015, tỷ lệ trẻ em bỏ học sớm ở ĐBSCL cao gấp 3 lần của cả nước. Do điều kiện vùng miền, trường học ở vùng này còn thiếu rất nhiều, cơ sở vật chất ở các trường này vẫn còn nhiều khó khăn, toàn vùng còn hơn 1.900 phòng học tạm và 2.600 phòng học mượn. Điều này ngăn cản người dân ĐBSCL tiếp cận với những ngành nghề khác, và những cơ hội tốt hơn trong xã hội, buộc phải gắn chặt với nghề nông nghiệp và cách làm nông thủ công.

Theo GS Khải, để giúp người nông dân ĐBSCL thoát nghèo, cần phải đào tạo lực lượng lao động trẻ cách sản xuất công nghiệp và làm nông nghiệp chuyên nghiệp, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nếu không, ĐBSCL sẽ rơi vào cái bẫy phát triển chỉ khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động giá rẻ; lợi thế này không tồn tại mãi, và đời sống người nông dân không thể vươn lên.

Đặc biệt trong những năm gần đây, với sự tác động của quá trình đô thị hoá và biến đổi khí hậu; hàng loạt KCN được xây dựng trong vùng. Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 51 khu công nghiệp và 200 cụm tiểu thủ công nghiệp được quy hoạch với diện tích hơn 26.500 ha. Đồng thời, sự thay đổi điều kiện tự nhiên như nước biển dân, xâm thực mặn khiến diện tích đất đai nông nghiệp bị mất đi đáng kể.  

Nhiều nơi như Đồng Tháp, Cần Thơ mất cả những cù lao rộng lớn khiến người dân rơi vào cảnh trắng tay, phải “chạy” khỏi sự tấn công của những con sông. Trong khi đó, họ chưa được chuẩn bị và đào tạo những kỹ năng công nghiệp và đô thị để tham gia vào kinh tế thị trường hay sản xuất hàng hoá công nghiệp. Nhóm người này cũng bị tắc trong sự nghèo đói. Biến đổi khí hậu đe dọa hoạt động sản xuất nông nghiệp vốn là sinh kế chủ yếu của người dân nơi đây và hệ quả là gia tăng tình trạng nghèo và tái nghèo tại khu vực này.

Những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp như giá sản phẩm bấp bênh, điệp khúc “được mùa - mất giá” làm thu nhập của người dân thường xuyên gặp rủi ro, dù là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới.

Bài toán phát triển ở ĐBSCL cần một kịch bản tổng thể. Bên cạnh những biện pháp ứng phó với tự nhiên, biến đổi khí hậu; thì nâng cao năng lực và đời sống con người cần đặc biệt chú trọng.

Hoàng Hường