Lời tòa soạn: Đi ra nước ngoài là mở rộng không gian, là mở rộng thách thức, cũng là mở rộng hệ tri thức, cũng là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được. Cơ hội là lớn nhất khi thế giới có những thay đổi lớn, khi một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra, với nhiều công nghệ mới xuất hiện. Cơ hội để một quốc gia thay đổi thứ hạng chính là lúc này.

Đó là những chia sẻ tâm huyết của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài tổ chức ngày 23/2. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lê Anh Dũng). 

Kính thưa các quý vị đại biểu trong và ngoài nước,

Năm 2023, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Hội nghị ngày hôm nay là hội nghị đầu tiên.

Tại sao chúng ta phải đi ra nước ngoài?

Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Và đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Và cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam.

Đi ra nước ngoài là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến. Đi ra nước ngoài là để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Đi ra nước ngoài là mở rộng không gian, là mở rộng thách thức, cũng là mở rộng hệ tri thức, cũng là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Tất cả những cái này là để Việt Nam giỏi lên.

Đi ra nước ngoài là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến..

Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được.

Tại sao chúng ta có thể đi ra nước ngoài?

Năm 2022 là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số cho các nước phát triển. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đã đạt 3 tỷ USD, của FPT về công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS) đã đạt 1 tỷ USD. Có cái thì CĐS Việt Nam rồi ra nước ngoài, có cái lại CĐS nước ngoài trước rồi về Việt Nam. 

Thế giới đã ghi nhận đóng góp của Viettel trong việc phát triển viễn thông nông thôn, xóa bỏ khoảng cách số ở nhiều nước, từ Châu Á, Châu Phi đến Mỹ La tinh. Tập đoàn Viettel đã làm được thiết bị mạng 5G, vũ khí công nghệ cao. VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ. FPT, CMC đi làm CNTT và CĐS cho các nước đã phát triển như Nhật, Mỹ. Nhiều công ty ngay từ ngày đầu thành lập đã hướng tới thị trường nước ngoài như NTQ Solution, SmartOCS, RikkeiSoft, OMI, VMO... Có những công ty ngay từ ngày đầu thành lập đã đặt mục tiêu phát triển công nghệ mới ngang hàng với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như KardiaChain... Những doanh nghiệp này, những doanh nhân này truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho chúng ta là “có thể làm được”. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm được thì chắc chắn Việt Nam sẽ hoá rồng.

Hàng trăm ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm được thì chắc chắn Việt Nam sẽ hoá rồng..
Ông Kully Nelson, Phó Tham tán Thương mại, Tùy viên Kinh tế số, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là thị trường hấp dẫn cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. (Ảnh: Lê Anh Dũng). 

Thị trường CNTT, công nghệ số của Việt Nam là một thị trường chật chội. Chi cho CNTT, CĐS thì không lớn nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại rất nhiều. Và cũng chính vì sự cạnh tranh ấy mà chúng ta có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ, khai thác thành công các thị trường mà các công ty công nghệ số lớn đang bỏ ngỏ. Và đây là năng lực cạnh tranh chính của chúng ta để có thể đi ra nước ngoài. Làm công nghệ thì không có chỗ cho sản phẩm trung bình, nhưng sản phẩm chất lượng mà giá cao thì lại không đến lượt những doanh nghiệp chưa có tên tuổi quốc tế như chúng ta. Chất lượng và giá rẻ sẽ rất phù hợp với giai đoạn đại chúng hoá công nghệ số, khi tất cả các nước, từ giàu đến nghèo, đều đang đẩy nhanh CĐS một cách toàn dân và toàn diện.

Một thế mạnh rất quan trọng khác của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đa số các công ty này đều do người sáng lập đang điều hành, tức là thế hệ F1, trong khi nhiều đối thủ quốc tế đã là F2, F3. Sức mạnh của F1 là một sức mạnh rất đặc biệt, rất lớn, có một không hai. Hãy tận dụng thế mạnh này!

Tại sao lại là lúc này?

Cơ hội là lớn nhất khi thế giới có những thay đổi lớn, khi một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra, với nhiều công nghệ mới xuất hiện. Cơ hội để một quốc gia thay đổi thứ hạng chính là lúc này. Trong một thế giới đã ổn định thì các cơ hội mới là rất ít, với các nước đang phát triển thì còn ít hơn, cơ hội đi ra nước ngoài còn ít hơn nữa. 

100 năm, nhanh thì cũng phải 50 năm mới có thể có một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nếu không là lúc này thì chúng ta lại phải đợi 50, 100 năm nữa.

10 năm tới, 20 năm tới, sẽ là những chuyển dịch quan trọng: từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ CNTT sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang CĐS; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ công nghệ cao xử lý số ít bài toán lớn sang công nghệ cao xử lý vô hạn bài toán nhỏ; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang Make in Vietnam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản của phát triển.

Có con đường Việt Nam để đi ra nước ngoài không?

Các công ty công nghệ lớn thì đang phát triển công nghệ số để giải quyết các bài toán to, nhu cầu phổ quát, họ tập trung cho các thị trường hàng tỷ người dùng. Thí dụ như ChatGPT để trả lời các thể loại câu hỏi của tất cả mọi người, và vì thế mới đạt mức trung bình khá. Nếu chúng ta dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn, khi mà dữ liệu liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của chúng ta sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy là cách tiếp cận cá thể hoá, và phù hợp với trình độ hiện tại của chúng ta. Thị trường ở đây là rất phong phú và không hề nhỏ. 

Chúng ta hay nói đến công nghệ mới thì tạo ra cái mới có tính đột phá. Nhưng cạnh tranh ở đây là rất lớn và không có chỗ cho nhiều người. Nhưng còn một thị trường vô cùng lớn khác là dùng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để giải các bài toán cũ, bài toán nhỏ. Bài toán thì nhỏ nhưng giá trị mang lại thì lại rất lớn. Hãy thử tưởng tượng, mỗi công chức Việt Nam trong mọi lĩnh vực đều có một trợ lý ảo ở mức chuyên gia thì nhà nước Việt Nam sẽ thay đổi lớn đến mức nào, đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ đến mức nào. Bài toán nhỏ thì vô hạn và vì thế mà thị trường cũng vô hạn, có chỗ cho rất nhiều người. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy tìm thấy cơ hội ở đây.

Ông Ravi Vajpayee, đại diện Phòng thương mại Ấn Độ tại Việt Nam thông tin về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước Việt Nam - Ấn Độ. (Ảnh: Lê Anh Dũng) 

Nước ngoài thì nói đến các Unicorn giá trị tỷ đô. Việt Nam bao năm vẫn có chỉ có một vài Unicorn. Có thể đó không phải là cách Việt Nam. Nếu công ty Startup giá trị trăm triệu đô, doanh thu chỉ ngàn tỷ đồng, nhưng xuất sắc trong lĩnh vực của mình, sản phẩm và thị trường là số 1 thế giới thì sao? Thì đó là Unicorn Việt Nam. Chúng ta mà có nhiều công ty công nghệ số xuất sắc, giá trị của mỗi công ty có thể chỉ trăm triệu đô, thì Việt Nam sẽ là một quốc gia công nghệ số hàng đầu.

Làm gì thì cũng nên Việt Nam hoá, tức là đi con đường Việt Nam, dựa trên đặc điểm và sức mạnh cốt lõi Việt Nam, để không ai có thể bắt chước mình. Cũng nên thời đại hoá thông qua sử dụng công nghệ mới nhất nhưng giải bài toán cũ. Hãy nhìn cách công ty Huawei của Trung Quốc làm: Dùng các công nghệ mới của thời 3G để làm ra thiết bị 2G  tốt nhất và giúp phổ cập hoá điện thoại di động cho 60% phần còn lại của thế giới, qua đó mà trở thành công ty thiết bị hạ tầng viễn thông có thị phần lớn nhất. Cũng nên đại chúng hoá bằng cách công nghệ thì cao, giá thì rẻ, dùng thì dễ, càng dùng nhiều càng rẻ, càng dùng nhiều thì sản phẩm càng tốt lên, để đưa các sản phẩm công nghệ số hiện đại tới được mọi người dân. 

Bộ TT&TT sẽ làm gì để giúp các doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài?

Hội nghị hôm nay là khởi đầu cho chiến dịch của Bộ TT&TT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. 

Nhà nước mở đường, rồi người đi trước kéo người đi sau. 

Bộ TT&TT sẽ tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài, tham mưu Chính phủ ký kết các hiệp định đối tác số với các nước; thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đi ra nước ngoài, sẽ là chỗ dựa, là cầu nối, sát cánh cùng doanh nghiệp, ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp số Việt Nam đặt chân đến. Mỗi tháng Bộ sẽ tổ chức ít nhất một sự kiện trợ giúp các doanh nghiệp công nghệ số làm ăn ở nước ngoài, đi ra nước ngoài. 

Hôm nay, Bộ đã mời đại diện các khu vực, các nước trên thế giới thông tin về cơ hội hợp tác, chính sách thu hút đầu tư, các lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thành công ở nước ngoài thì chia sẻ kinh nghiệm khi làm ăn ở nước ngoài. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia: Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số.

Bộ TT&TT sẽ là chỗ dựa, là cầu nối, sát cánh cùng doanh nghiệp, ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp số Việt Nam đặt chân đến.

Kính thưa các đồng chí và các bạn,

Thời chiến thì vinh danh quân đội, người lính. Thời bình thì vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân. Từ đó mới phát triển được Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Từ đó mới bảo vệ được Tổ quốc. 

Đi ra nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, nhưng đầy vinh quang, là sứ mệnh giúp Việt Nam hoá rồng, hoá hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Doanh nghiệp hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia, hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia, vì thế mà doanh nghiệp phát triển bền vững và trường tồn, bởi vì dân tộc và quốc gia là trường tồn. Gìn giữ non sông, làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chúc các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới thành công bằng cách Việt Nam, và đi con đường Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Hãy làm cái mới để trở thành xuất sắc

Hãy làm cái mới để trở thành xuất sắc

Trong cuộc làm việc với Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý hướng đi mới cho đơn vị này là có thể tư vấn, đưa tri thức xuất sắc về chuyển đổi số đến các bộ, địa phương.