Chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên

Theo quy định mới tại Thông tư 08, Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành. 

Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (chứng chỉ) như sau: Chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN).

Quy định mới cũng nêu không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ. Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III còn 3 năm; giáo viên không cần nộp minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng khi thực hiện bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết.

Ảnh minh họa: Thúy Nga

Quy định mới sẽ khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Quy định nhằm bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 30/5.

Áp dụng mã QR trong giải quyết thủ tục hành chính

Để việc thực hiện số hóa hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được nhanh chóng và thuận lợi, Văn phòng Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn việc áp dụng mã QR trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 25/5.

Mã QR được in ở góc trên bên trái của các giấy tờ được xuất bản từ dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp các dữ liệu tối thiểu sau: Mã số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; Mã thủ tục hành chính; Mã định danh của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; Tên giấy tờ được xuất bản; Tên hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu; Thời điểm xuất bản; Mã QR trên Giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả phải cung cấp thêm ngày hẹn trả kết quả; Mã QR trên Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp thêm dữ liệu về thời hạn, phạm vi có hiệu lực (nếu có).

Việc quét mã QR đã được áp dụng ở các cơ sở y tế. Ảnh: Chí Hùng

3 trường hợp không bị tính tiền chậm nộp phạt giao thông

Hiện nay, nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và phải nộp thêm tiền chậm nộp bằng 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Tuy nhiên, Thông tư 18 (có hiệu lực từ ngày 5/5) đã miễn việc tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính cho 3 trường hợp chậm nộp sau: Trong thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại. Trong thời gian cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

Phân loại phim thành 6 mức độ

Bộ VHTT&DL đã ban hành thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo, có hiệu lực từ ngày 20/5.

Thông tư quy định tiêu chí phân loại và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim.

Khách xếp hàng chờ mua vé tại sảnh Rạp chiếu phim Quốc gia. Ảnh: Hoàng Long

Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại được xếp từ thấp đến cao:

Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi.

Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên.

Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên.

Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên.

Loại C: Phim không được phép phổ biến.

Tiêu chí phân loại phim bao gồm: chủ đề, nội dung; về bạo lực; về khỏa thân, tình dục; về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; về kinh dị; về ngôn ngữ thô tục; về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Ngoài ra, thông tư còn quy định về: Nguyên tắc phân loại phim; nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim; nguyên tắc thực hiện cảnh báo; nội dung hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo…