Đầu năm giải cứu dưa hấu, giữa năm là hành tím, hành tây... cuối năm đến chuối tiêu hồng. Không còn mua hàng với tiêu chí đắt hay rẻ, ngon hay không ngon mà mua ủng hộ, mua nông sản bằng tình thương.

Mua nông sản bằng tình thương

Câu chuyện “giải cứu” hàng ngàn buồng chuối tiêu hồng cho nông dân xã Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) vào tháng 11 vừa qua không phải là trường hợp đầu tiên.

Trong 2015, đã có rất nhiều cuộc “giải cứu” diễn ra tương tự.

Tháng 4/2015, khi nông dân xứ Quảng ngồi trước cánh đồng dưa hấu đã đến độ thu hoạch nhưng không có người mua, phải ăn dưa hấu trừ bữa, phải đổ cho bò, cho trâu ăn... cả nước đã rộ lên phong trào “giải cứu dưa hấu”. Mỗi người mua một vài quả để giúp bà con xứ Quảng.

{keywords}
Năm 2015, người dân chủ yếu đi mua nông sản bằng tình thương, bằng con tim

Từ phố lớn tới ngõ chợ rồi lên cả mạng xã hội, đâu đâu cũng thấy lời kêu gọi chung sức tiêu thụ dưa hấu giúp nông dân. Thậm chí, Bộ Công thương cũng đi “bán dưa hấu”, còn sinh viên tình nguyện thì phơi mình dưới trời nắng lên đến 40 độ C để bán dưa.

Theo đó, mỗi người chung tay mua một hai quả, có người còn mua cả chục quả về nhà mặc dù biết rằng sẽ không thể ăn hết hay có người dù biết dưa không ngon, không ngọt vẫn cứ đặt mua. Đơn giản là mua ủng hộ vì nông dân khổ quá.

Nhờ đó, 1.500 tấn dưa được bán ra, giúp bà con từ bị lỗ chuyển thành có lãi.

Đợt giải cứu dưa hấu vẫn chưa kết thúc thì lại đến cuộc “giải cứu” hành tím Sóc Trăng khi hàng trăm ngàn tấn hành của nông dân làm ra chất đầy ruộng mà không biết bán đi đâu. Để giải cứu được hành, lần này Bộ Công thương còn làm công văn hỏa tốc gửi tới các đơn vị liên quan nhằm mở lối tiêu thụ hành tím đang rớt giá thê thảm.

Thế là, nhà nhà, người người lại đặt mua hành, có nhà mua chục cân hành về mà dù biết có ăn cả năm cũng không hết.

Hành tím mua về vẫn chưa ăn hết, người dân lại tiếp tục đi mua hành tây để “giải cứu” cho bà con nông dân Đà Lạt khi bị thương lái ép mua với giá rẻ vào hồi đầu tháng 5. Những tấm biển có ghi dòng chữ “ủng hộ nông sản Lâm Đồng” xuất hiện khắp các đường phố khiến ai đi qua cũng phải nhói lòng đừng xe lại mua.

{keywords}
Sau mỗi lần giải cứu nông sản, dân luôn tự đặt ra câu hỏi “Chợ bầu bí nghĩa tình phải họp đến bao giờ?”

Vào tháng 9 năm nay cũng diễn ra cuộc “giải cứu” 1.500 tấn thanh long tại Bình Thuận khi thương lái Trung Quốc ngưng mua và giá thanh long rớt xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg. Đáng nói hơn, hầu như vào mùa thu hoạch thanh long năm nào cũng xảy ra những cuộc giải cứu thế này.

“Chợ bầu bí nghĩa tình”: Nghèo đến bao giờ?

"Giải cứu" nông sản ban đầu chỉ là giải pháp tình thế nhưng ngày càng được áp dụng rộng rãi với hầu hết các loại quen thuộc của Việt Nam. Song, bên cạnh những cuộc “giải cứu nông sản” thành công ngoài sự mong đợi ấy thì theo các chuyên gia trong ngành, nó thể hiện một nên nông nghiệp bế tắc, manh mún.

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, vấn đề nông sản “giải cứu” là hệ quả từ việc không có tổ chức sản xuất. Nhà nước mà cụ thể là Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương hầu như đã để mặc cho nhà nông muốn trồng gì thì trồng. Miễn họ không dùng đất đó để làm việc khác như xây nhà, xây xưởng là được. Thế nên, điệp khúc trồng - chặt; bán không ai mua - giải cứu... xảy ra thường xuyên. Đáng trách hơn là sau những lần được giải cứu thành công, dường như các cấp quản lý vẫn chưa có chiến lược đủ mạnh để tổ chức thay đổi lại tình thế.

Còn về phía nhà nông, vẫn luôn giữ tư duy quá cũ, trồng cây theo kinh nghiệm và cảm tính hơn là hướng hiện đại. Thậm chí ở một số địa phương còn để thương lái Trung Quốc vào tận vườn mình mua rồi bán thì doanh nghiệp thua rồi. Tại sao doanh nghiệp lại không sang tận Trung Quốc, nắm được nhu cầu trực tiếp của thị trường rồi quay trở lại cùng nhà nông tổ chức trồng thế nào cho hiệu quả?, GS-TS Xuân đặt câu hỏi.

Những nông dân cũng nhiều lần đặt câu hỏi khi việ tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản đã có bao nhiêu kế hoạch, chiến lược, bao nhiều đoàn đi nước ngoài nhưng rồi... bao nhiêu năm qua vẫn chưa thoát khỏi cảnh được mùa - mất giá.

Và sẽ còn bao nhiêu mùa dưa, mấy lần thu hoạch hành nữa thì người dân mới để nông dân không còn cảnh khóc ròng trên mảnh ruộng của mình, không còn cảnh dưa hấu, cà chua đổ cho bò ăn, còn ở những vùng tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP.HCM thì người tiêu dùng vẫn phải mua dưa hấu, hay hành tím, chuối với giá đắt đỏ như những ngày qua.

Và “Chợ bầu bí nghĩa tình phải họp đến bao giờ” để nông dân không còn phải khổ?

Bảo Hân