Những ngày này, người dân bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 3/2020. Nhiều người bất ngờ vì hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng vọt, tới 30-40% so với những tháng trước.
Zing thông tin, gia đình anh Lê Văn Toàn (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội) gồm 4 thành viên thường sử dụng gần 400 kWh điện mỗi tháng. Với cách tính giá điện từ bậc 5 (301-400 kWh) trở xuống, 1 tháng nhà anh phải trả khoảng 850.000 đồng.
Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, 2 đứa con của anh Toàn nghỉ học ở nhà, vợ chồng cũng làm việc online khiến chỉ số giá điện tăng cao. Tháng 3, hóa đơn tiền điện nhà anh tăng tới 40%, lên tới 560 kWh. Tổng tiền điện thanh toán lên 1,3 triệu đồng (đã tính giá theo bậc cao nhất).
Còn chị Lê Thị Hồng (quận 2, TP.HCM) chia sẻ rằng chị cũng bất ngờ với hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 3 vì các thành viên ở nhà thường xuyên. Chị Hồng nhận hóa đơn tiền điện tháng 3 là 1,1 triệu đồng, tương ứng mức tiêu thụ 500 kWh, trong khi tháng trước đó là 350 kWh (712.000 đồng).
Nhiều người 'kêu' hóa đơn tiền điện tăng vọt. (Ảnh minh họa) |
Gia đình chị Đinh Thị Thanh (trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) gồm 5 thành viên, sống trong căn hộ 80m2. Chị Thanh cho biết trên Lao Động, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, 3 đứa con của chị nghỉ học ở nhà, vợ chồng cũng làm việc online nên tiền điện tăng vọt. Tháng 3, chỉ số điện gia đình chị dùng tăng 40% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhiều người dân ở chung cư Tara Residence, Q.8, TP.HCM phản ánh trên báo Phụ Nữ họ rất 'sốc' về việc hóa đơn tiền điện tăng đột ngột. Anh Diệp cho biết, khi nhận được thông báo tiền điện tháng 3, anh rất ngạc nhiên khi thóa đơn tăng lên trên 1 triệu đồng, trong khi tiền điện tháng 1/2020 chỉ 223.106 đồng và tháng 2/2020 là 523.574 đồng. “EVN giải thích tiền điện tăng do nắng nóng, do giãn cách xã hội nên mọi người ở nhà nhiều là chưa hợp lý. Vợ chồng tôi vẫn đi làm, thời gian sử dụng các thiết bị điện vẫn như cũ nhưng tiền điện vẫn tăng” - anh Diệp bày tỏ.
Nhiều gia đình đã dùng rất hạn chế các thiết bị sử dụng điện mà hóa đơn tiền điện tháng 3 vẫn tăng cao.
Đó là trường hợp của gia đình nhà chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (phường Phú Thuận, Q.7, TP.HCM). Chị Hằng cho biết trên báo Tuổi Trẻ, chị vừa nhận được hóa đơn tiền điện của tháng 3 với số tiền tăng đột ngột lên 534.000 đồng. Trong tháng 2, chị Hằng chỉ trả tiền điện 374.000 đồng. Theo chị Hằng, do sống một mình và làm việc tại ngân hàng nên tháng 3 chị luôn rời khỏi nhà từ 6h30-21h mỗi ngày. Trong nhà vẫn sử dụng tủ lạnh, điều hòa, máy nước nóng nhưng dùng rất hạn chế. Với mức dùng như thế, chị Hằng cho biết 4 tháng qua tiền điện cũng chỉ hơn 300.000 đồng.
Trường hợp tương tự là gia đình chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (ngụ quận 7). Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, chị cho biết hóa đơn tiền điện tháng 3 là 305.000 đồng, trong khi tháng 2 chỉ 239.000 đồng. 3 tháng nay, chị đều làm việc ở nhà, mức độ sử dụng các thiết bị điện giống nhau và tiền điện các tháng trước đều khoảng 200.000 đồng còn tháng 3 tăng quá cao.
"Tôi rất thắc mắc là vì sao tôi ở chung cư, mua các thiết bị đều là loại tiết kiệm điện, dùng ổn định nhưng mọi tháng trước đều giống nhau song tháng 3 này tăng lên nhiều như thế và không biết có còn tăng nữa không", chị Ngọc lo ngại.
Bà T.T.H. (ngụ tại chung cư Vạn Đô, Q.4, TP.HCM) cũng nói trên Tuổi Trẻ rằng, tháng 3 vừa qua, tiền điện nhà bà tăng lên 1,8 triệu đồng, trong khi tháng 2 là 1,2 triệu đồng dù gia đình sợ dịch nên tránh dùng điều hòa. Theo bà H., nhiều cư dân của chung cư Vạn Đô đều phản ảnh tình trạng chung là tiền điện tháng vừa rồi tăng trong khi nhiều gia đình đã dùng quạt máy, hạn chế dùng điều hòa.
Chị Thảo (quận 12) than thở trên Thanh Niên, từ sau Tết khi có thông tin dịch bệnh, thu nhập giảm nên gia đình chị đã ra "quân lệnh" không sử dụng máy lạnh, chỉ xài 2 quạt máy để tiết kiệm nên tháng 2 và tháng 3 chỉ dao động từ 400.000-450.000/tháng. Tuy nhiên, hoá đơn tháng 4 của nhà chị Thảo vẫn tăng vọt lên 550.000 đồng.
Nhiều gia đình còn không dùng điều hòa, về quê trốn dịch mà hóa đơn tiền điện tháng 3 vẫn tăng đột biến.
Đơn cử là trường hợp của gia đình chị Mỹ Quyên - ở chung cư Tara Residence. Chị Quyên cho biết trên báo Phụ Nữ, trong tháng 3, gia đình chị về quê tránh dịch, không có người ở nhà nhưng tiền điện vẫn 512.415 đồng. “Mùa dịch này, nhà tôi chẳng thay đổi gì, số người ở nhà vẫn vậy, ít sử dụng máy lạnh hơn do sợ virus sinh sống, phát tán trong môi trường lạnh, vậy mà hóa đơn tiền điện vẫn tăng 47% so với tháng trước” - chị Quyên nói.
Tình trạng hóa đơn tiền điện tăng khi không dùng điều hòa, về quê trốn dịch không chỉ xảy ra với gia đình chị Mỹ Quyên ở chung cư Tara Residence.
Trường hợp của gia đình chị Huỳnh Thị Thu Trang ở chung cư Gia Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM là một điển hình. Chị Trang cho hay thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế, gia đình chị không mở máy điều hòa nhiệt độ, nhưng tiền điện tháng 3 vẫn tăng đột biến lên hơn 1,4 triệu đồng, trong khi tháng 2/2020 chỉ 430.000 đồng và tháng 1/2020 là 506.836 đồng.
Tương tự, anh Hoàng - ở chung cư Nghĩa Phát, Q.Tân Bình, TP.HCM - cũng than trên báo Phụ Nữ rằng tiền điện tháng 3/2020 của gia đình anh tăng hơn 500.000 đồng so với tháng trước, dù vợ con anh đã về quê tránh dịch, nhà chỉ còn mình anh.
Người dân tại chung cư Tara Residence bày tỏ nghi ngờ việc tiền điện tăng đột ngột có thể do vừa qua, nhân viên điện lực xuống thay đồng hồ điện. Nhưng bức xúc hơn, họ không biết nhân viên điện lực thay đồng hồ lúc nào, cũng không được thông báo hay ký biên nhận đồng hồ mới cũng như ký chốt số điện trên đồng hồ cũ.
“Ban quản lý chung cư nói tháng này, nhân viên điện lực không vào chung cư ghi chỉ số đồng hồ điện mà chỉ theo dõi qua app (ứng dụng) của điện lực. Không biết có sự sai sót gì không mà gia đình nào cũng bị tăng 50% so với tháng rồi” - chị Nguyệt Thảo đặt vấn đề trên báo này.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)