Chỉ số đáng lo ngại

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng của sản xuất công nghiệp giảm tới 9,2%.

Tại miền Nam, nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh trong tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm 2020: TP.HCM giảm tới 49,2%; Bến Tre giảm 60%; Đồng Tháp giảm 59%, Vĩnh Long giảm 41,5%, Tây Ninh giảm 36,9%, Sóc Trăng giảm 31,4%, Hậu Giang giảm 29,5%, Tiền Giang giảm 27%, Cần Thơ giảm 25,9%, Kiên Giang giảm 25,6%, Long An giảm 20,9%, Bình Dương giảm 12,6%, Đồng Nai giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) vừa được Công ty IHS Markit công bố cho thấy, tình trạng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã trầm trọng hơn trong tháng 8/2021. Cụ thể, chỉ số PMI tháng 8 giảm còn 40,2 điểm, so với 45,1 điểm của tháng 7/2021. Đây cũng là điểm số PMI thấp nhất trong 16 tháng qua.

{keywords}
Hoạt động sản xuất kinh doanh đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời, những doanh nghiệp còn lại rơi vào cảnh thiếu lao động và khả năng sản xuất bị hạn chế. Kết quả là, sản lượng đã giảm với tốc độ đáng kể. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm tháng thứ ba liên tiếp với tốc độ nhanh.

Chuỗi cung ứng tại Việt Nam tiếp tục bị gián đoạn nghiêm trọng, khi thời gian giao hàng kéo dài ở mức kỷ lục hai tháng liên tiếp. Tình trạng tắc nghẽn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa xảy ra thường xuyên tại các địa phương. Cộng thêm tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu khiến thời gian giao hàng bị kéo dài. Điều đó làm chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh và tốc độ tăng giá thuộc mức nhanh nhất trong một thập kỷ qua, theo IHS Markit.

Ở khía cạnh khác, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết 6/2021, tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng 2,94%, còn tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 4,78% so với cuối năm 2020. Diễn biến trên hoàn toàn trái ngược với các năm trước, khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn các tổ chức kinh tế.

Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng tăng cao là điều đáng lo ngại. Như vậy, cũng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Vì thế, tiền vốn phải tạm gửi vào ngân hàng, không thể chuyển thành dòng tiền kinh doanh.

Tâm lý kinh doanh giảm thấp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) vừa tiến hành khảo sát nhanh với các doanh nghiệp Pháp, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dược,... tại Việt Nam.

Kết quả ghi nhận, gần 60% doanh nghiệp đối mặt với khó khăn trong 6 tháng gần đây. Có 56% doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoặc giảm sản xuất ít nhất 80% trong hai tháng qua. Theo CCIFV, các doanh nghiệp Pháp rất lo lắng khi chi phí sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” tăng cao nhưng sản lượng đạt thấp, trong khi vận chuyển lưu thông hàng hóa bị ách tắc và không thể dự đoán được khi nào mới chấm dứt giãn cách xã hội tại nhiều địa phương.

Có 62% doanh nghiệp cho biết, sẽ phải dừng hoạt động nếu tình hình này không được cải thiện trong vòng từ 3-12 tháng tới. Nếu vậy, sẽ có gần 75% các doanh nhân Pháp rời khỏi Việt Nam.

{keywords}
 “Mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh đã không như kỳ vọng.

Trong buổi đối thoại gữa các doanh nghiệp FDI với lãnh đạo TP.HCM ngày 20/8 vừa qua, bà Hồ Thị Thu Uyên, đại diện Intel Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp này áp dụng mô hình "một cung đường hai địa điểm" cho 1.870 người lao động. Chi phí phát sinh từ việc đảm bảo phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15/7-15/8 tốn khoảng 140 tỷ đồng. Nếu tính tới ngày 15/9, con số trên có thể tăng gấp đôi. Intel cũng mong sau ngày 15/9, TP.HCM sẽ dừng giãn cách, bởi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn.

Công ty Jabil Việt Nam cũng áp dụng phương án sản xuất "một cung đường, hai địa điểm" cho 2.500 lao động. Chi phí mỗi tháng tốn khoảng 120 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ hoạt động với công suất dưới 30% nên bị hụt 60 triệu USD doanh thu xuất khẩu mỗi tháng. Nhiều đối tác đã chuyển đơn đặt hàng sang một số nước khác như Trung Quốc, Singapore... khi Jabil Việt Nam không đáp ứng được tiến độ. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, công ty sẽ phải thu hẹp hoạt động tại Việt Nam.

Tâm lý kinh doanh trong tháng 8 của các doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất, kể từ 15 tháng qua. Diễn biến phức tạp của dịch Covid hiện nay, đã khiến một số công ty dự đoán thời gian hạn chế hoạt động vẫn còn kéo dài, IHS Markit nhận xét.

Lấy ví dụ như, mảnh giấy đi đường thời gian qua đã gây ra quá nhiều rắc rối, tắc nghẽn, khiến vận tải không thể lưu thông, dẫn đến đình trệ hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Nhiều hiệp hội ngành hàng đã phải “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ về việc này. 

Thực tế này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong hoàn cảnh này, buộc chúng ta phải suy nghĩ lại cách thức và phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Với quan điểm chống dịch lâu dài, thiết kế các mô hình sinh sống và sản xuất an toàn với Covid-19, các chuyên gia cho rằng, đây là lúc các nhà quản lý cần huy động giới chuyên môn, khoa học, DN để xây dựng các điều kiện quy trình, mô hình phù hợp cho từng loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế. Theo đó, người dân và DN sẽ chủ động chống dịch và sản xuất 1 cách khả thi nhất.

Trần Thủy

Đừng chờ đợi, không thể đứng nhìn tất cả 'đóng băng'

Đừng chờ đợi, không thể đứng nhìn tất cả 'đóng băng'

DN lúc này nên uyển chuyển trong điều kiện cho phép để được hoạt động một cách tốt nhất. Và từ bây giờ cần chủ động tính tới kịch bản sống chung với dịch.