Vừa qua, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) quyết định xử lý mạnh tay với chính lãnh đạo cấp cao của họ. Người này bị phát hiện "giàu bất thường" với khối tài sản lên tới 658 triệu baht (hơn 18 triệu USD).

Truyền thông Thái Lan dẫn thông báo ngày 29/8 của NACC xác nhận ông Phó Tổng thư ký NACC, bị sa thải từ ngày 26/8 và sẽ bị tịch thu tài sản.

Giống như nhiều nước, Thái Lan cũng yêu cầu các quan chức chính phủ công kê khai tài sản. Dù cách này không loại bỏ hoàn toàn tham nhũng nhưng ít ra cũng góp phần ngăn chặn đáng kể tệ nạn này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Một cách làm cũng được Thái Lan chú trọng, đó là việc công khai dữ liệu. Đây cũng là cách để Thái Lan chống tham nhũng. Cơ quan Chính phủ điện tử (EGA), dưới sự giám sát của Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông, hiện quản lý cổng dữ liệu trung tâm của chính phủ bao gồm 893 bộ dữ liệu liên quan đến phát triển kinh tế, giao thông vận tải, công nghiệp và xã hội, và chi tiêu của chính phủ.

Việc ứng dụng dữ liệu mở với các công ty và kê khai tài sản của các quan chức nhà nước sẽ là công cụ để quản lý xung đột lợi ích và điều tra các cáo buộc tham nhũng một cách hiệu quả. Tương tự, thông tin về đấu thầu có thể ngăn ngừa và xác định tham nhũng trong mua sắm công.

Việc buộc các quan chức kê khai tài sản là công cụ quan trọng để NACC đấu tranh với tham nhũng. Năm 2018, cơ quan này đã điều chỉnh để mở rộng phạm vi của quy định kê khai tài sản.

Thay vì chỉ áp dụng với các chính trị gia hay công chức cấp cao, quy định mới áp thêm cả với nhóm các nhân viên nhà nước, tức bao gồm nhân viên của các tổ chức công, trường đại học...

Ở nước ta, ca dao đã nói và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại như một chỉ dẫn cho việc làm trong sạch đội ngũ những người phòng, chống tham nhũng: “Chân mình còn lấm bê bê- Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Tổng Bí thư còn nhấn mạnh, “chúng ta phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Ai chần chừ, do dự, không quyết liệt, không dám làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Bởi vì nếu chúng ta không làm thì sẽ mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Quốc gia nào cũng rất chú trọng làm trong sạch đội ngũ những người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ở Hàn Quốc, Australia, hình phạt nghiêm khắc cũng được áp dụng đối với các quan chức tham nhũng, bất kể đó là ai, dù là chính khách hay công chức bình thường. Kết quả của việc xử lý được công khai để nhân dân giám sát. Chính điều này đã tạo điều kiện cho cuộc chiến chống tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ và rộng khắp.

Lập Ban chỉ đạo - bước đi đúng đắn

Có thể nói kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Trung ương do Tổng Bí thư làm Trưởng ban và Ban Nội chính Trung ương là thường trực, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta có bước ngoặt mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trung ương nhận định: Trong thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Vì vậy, để thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, Hội nghị Trung ương 5 (khóa 13) đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các tỉnh, thành. Đây là nhân tố quyết định để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. 

Vừa qua, các địa phương bước đầu đã hình thành bộ máy, song dư luận lại xôn xao vì một số địa phương có cá nhân không tiêu biểu lại nằm ngay trong bộ máy phòng chống tham nhũng. Không thể vì cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng là chỉ đạo quyết liệt của trên. Về điều này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: TP.HCM không chạy theo thời gian mà coi nhẹ chất lượng.

Những cơ quan làm công tác thanh, kiểm tra phải là đơn vị có bộ máy trong sạch. Không thiếu những trường hợp đi thanh kiểm tra lại vi phạm luật pháp. Thấy được “lỗ hổng” này, vừa qua Tổng Bí thư đã chỉ đạo khi phát hiện thanh kiểm tra sai phạm phải xử lý thật nghiêm minh, không thể để những người đi chống tham nhũng lại tham nhũng tiêu cực. Việc xem xét trách nhiệm thanh kiểm tra, việc các cơ quan khác vào cuộc kiểm tra để phát hiện ra tham nhũng chính trong cơ quan phòng chống tham nhũng là bước đột phá mới.

Kê khai tài sản, công khai dữ liệu thông tin nhất là đối với quan chức trong cơ quan phòng chống tham nhũng là một hướng để phát hiện tham nhũng. “Giàu bất thường” như Thái Lan đã làm đối với quan chức đứng đầu cơ quan chống tham nhũng là cách làm có hiệu quả.  

Thời gian qua, một số quan chức “giàu bất thường”, có người có biệt phủ sang trọng, xe sang đắt tiền, thậm chí có nhà đất ở nước ngoài…

Công cuộc phòng chống tham nhũng là cả quá trình lâu dài và khó khăn vì chống lại những người trong đội ngũ, Tuy nhiên, khi đã tìm ra bước đi phù hợp, có cơ chế thống nhất, có “lồng cơ chế” để kiểm soát quyền lực thì có nhiều cơ sở để thành công.