Lấy chồng 5 năm, tháng nào vợ chồng tôi cũng cãi nhau về chuyện chồng thường xuyên tụ tập bạn bè, bia rượu say sưa. Mỗi lần anh đi đá bóng cùng bạn thì y như rằng về nhà trong cơn say. Thậm chí, anh còn chẳng biết ai đưa mình về, xe máy để ở đâu.

Tôi đã nói rất nhiều lần nhưng chồng không thay đổi. Cũng trên dưới 5 lần, tôi đòi ly hôn vì thực sự không chịu nổi kiểu lèm bèm, rượu vào là mắng mỏ vợ con. Tôi từng nghĩ, đàn ông ai cũng vậy, rượu chè và cần các mối quan hệ. Nhưng mỗi ngày mức độ của chồng một tăng lên khiến tôi không chịu nổi. Cuộc sống hôn nhân trở nên tẻ nhạt, chán chường.

Năm vừa rồi, kinh tế khấm khá, vợ chồng tôi tích cóp mua được chiếc xe ô tô. Lúc chồng có ý định mua, tôi gàn lắm. Tôi sợ với tính cách của anh, mua xe vào chỉ hại thân. Nhưng gàn thế nào cũng không được, vì chồng đã quyết. Anh muốn mua xe phục vụ công việc.

chonglaixe.jpg
Tôi mừng vì chồng bỏ bia, rượu sau khi mua xe ô tô. Ảnh minh họa: PX

Từ ngày có xe, công việc của chồng cũng phất lên, anh tự tin hơn nhiều so với trước kia.

Tôi cảm nhận mọi thứ khác dần, chồng tôi cũng như trở thành một con người khác. Ngày nào trước khi lên xe, tôi cũng hỏi chồng một câu: “Anh có uống rượu không?”. Chồng lại cười bảo: “Lái xe thì ai uống rượu bia, bị phạt chết à?”.

Ban đầu nghe chồng nói vậy, tôi không tin cho lắm. Nhưng những vụ phạt do vi phạm quy định về nồng độ cồn ngày một nhiều, không chỉ phạt hành chính còn giữ xe, giữ bằng có lẽ đã khiến anh sợ thật.  

Tôi luôn nói với chồng: “Tính mạng của vợ con nằm ở trong tay anh. Anh đã cầm lái thì phải đảm bảo an toàn cho gia đình. Trước anh đi xe máy, chỉ một mình anh ngồi, bây giờ cả vợ con ngồi sau anh. Nếu anh đã uống rượu, bia thì đừng cố chấp lái, cả nhà đi taxi cũng được. Anh phải có trách nhiệm, phải biết lo cho cả nhà”.

Những lời nói của tôi có vẻ cũng thấm dần nên từ khi có xe, anh không dám động đến một giọt bia, giọt rượu. Mừng nhất là cái Tết vừa rồi, anh chở vợ con về ngoại, đi chơi khắp nơi, nhà ai cũng mời mọc bia rượu, nhưng anh kiên quyết không động đến. Bạn bè anh cũng lịch sự hơn, biết anh lái xe thì không ép, còn động viên uống nước lọc.

Có hôm chở vợ về quê ngoại, dù tận chiều hôm sau mới đi, nhưng tối đó chồng kiên quyết không uống rượu. Anh lo chiều hôm sau vẫn còn nồng độ cồn. 

Những năm trước, đến nhà ai anh cũng cà kê cho hết bữa. Người ta buông chén rồi, anh vẫn tiếp tục chúc tụng đến lúc hết rượu thì thôi. Vì thế mà Tết tôi chưa từng được vui, năm nào cũng cãi nhau với chồng.

Năm nay, tôi thực sự có một cái Tết vui và bắt đầu thấy ngoài chồng, mình cũng cần phải thay đổi. Thay đổi tư duy, thay đổi cách ứng xử, vợ chồng cùng nhau ngồi lại tâm sự, chia sẻ… Đó mới là cách giúp cuộc sống hôn nhân bền vững, thấu hiểu đối phương hơn.

Điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Thời gian qua, việc cơ quan chức năng nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn đã góp phần giảm bớt những vụ mất an toàn giao thông do rượu, bia. Nhiều người đã có ý thức và trách nhiệm hơn khi tham gia giao thông.

Hãy chia sẻ với báo VietNamNet những câu chuyện, bài học mà bạn nhận được xung quanh vấn đề “nồng độ cồn”. Bài viết liên quan, vui lòng gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn

Độc giả Trang Anh