Sau gần 1 tuần xảy ra vụ kỹ thuật viên của Volvo Hà Nội cầm lái siêu xe Ferrari 488 GTB của khách đâm gốc cây, dẫn tới nát đầu, hư hỏng nặng, anh H. chủ xe đã có cuộc trao đổi riêng với báo VietNamNet về toàn cảnh câu chuyện. 

Hoàn toàn theo chỉ dẫn của nhân viên Ferrari Việt Nam

PV: Xin anh tóm lược lại tình huống sự cố ban đầu đối với chiếc siêu xe của mình trước khi xảy ra tai nạn đâm cây?
Chủ xe H: Sự việc bắt đầu từ hôm thứ 7, 9/7/2022.  Lúc đó, tôi đang di chuyển trên cầu Nhật Tân, Hà Nội thì nghe tiếng động lạ rất lớn ở khoang máy phía sau. Trợ lực lái xe mất hẳn, xe gần như không thể di chuyển dược. Tôi vẫn kịp tấp vào lề đường để đảm bảo an toàn. 

Tôi liên hệ với một người tên Tr, nhân viên của Ferrari Việt Nam thông báo tình hình và yêu cầu hỗ trợ. Sau đó, anh Tr đã nhắn tin: “Bên em đã báo anh Volvo rồi nhé. Anh kéo về đó, có gì thứ 2 (ngày làm việc hành chính- PV), bên em tìm phương án xử lý cho anh”. 

Theo chỉ dẫn đó, tôi đã gọi cứu hộ về xưởng dịch vụ của Volvo Hà Nội ở quận Long Biên. Sau đó, cũng chính anh T. này báo cho tôi biết xe chỉ bị đứt dây cua-roa, thay là được.

PV: Như anh đã từng chia sẻ, anh Tr, nhân viên Ferrari Việt Nam đã giới thiệu anh làm việc với kỹ sư T sửa xe ở xưởng của Volvo Hà Nội. Lúc đó, anh hiểu vai vế các cá nhân trong giao dịch này là gì?

Chủ xe H: Tôi chỉ là khách hàng nên anh nhân viên Ferrari Việt Nam hướng dẫn tôi như thế nào, tôi làm thế đó. Nếu không có chỉ dẫn đó, tôi tự dưng đưa xe về xưởng Volvo Hà Nội làm gì?

Tôi cũng chẳng quen biết gì anh kỹ sư T. Nên nếu anh Tr không chỉ dẫn như vậy thì tôi đâu có để xe cho kỹ sư T thay dây cua-roa?

Tôi luôn hiểu rằng, giải quyết sự cố xe của tôi là phải trên cơ sở quan hệ  giữa hai pháp nhân Ferrari Việt Nam và Volvo Hà Nội. Nếu không phải dựa trên nền tảng quan hệ này thì không thể có chuyện 2 nhân viên có quyền giao dịch với nhau như vậy.

Thêm vào đó, ngay đầu năm (17/1), tôi còn được mời mang xe đến Volvo Hà Nội trong chương trình làm dịch vụ bảo dưỡng của hãng Ferrari Việt Nam. Vì thế, mặc định giữa hai bên là phải là quan hệ hợp tác chứ không phải khi xảy ra chuyện, họ lại nói là không biết gì, giao dịch chỉ là quan hệ cá nhân.

Tin nhắn giữa chủ chiếc siêu xe và nhân viên Ferrari. (Ảnh NVCC)

Volvo Hà Nội đang đẩy trách nhiệm của mình sang trách nhiệm cá nhân

PV: Volvo Hà Nội công bố rằng họ không hợp tác với Ferrari Việt Nam trong việc sữa chữa xe Ferrari. Trên hệ thống của họ không có lịch sử giao dịch, cũng như không có giấy tờ gì về việc sửa xe của anh. Giữa anh Tr, kỹ thuật viên cầm lái siêu xe gây tai nạn và Ferrari Việt Nam là quan hệ cá nhân.

Anh phản hồi thế nào về thông tin này?

Chủ xe H: Tôi hoàn toàn không hài lòng với cách ứng xử của cả hai hãng xe: Volvo Hà Nội và Ferrari Việt Nam. Đặc biệt, với Volvo Hà Nội, kể từ khi xảy ra sự cố, họ chưa từng một lần liên lạc với tôi để làm rõ vấn đề. Một lời xin lỗi cũng không có. Đấy là điều thật không thể chấp nhận được. 

Nên nhớ rằng, khi xe tôi đưa đến xưởng của Volvo Hà Nội là chiều tối ngày thứ 7. Lúc đó, làm gì có nhân viên hành chính để làm giấy tiếp nhận xe? Sau đó, xe được làm dịch vụ. Các giấy tờ đi kèm như thế nào thì Volvo Hà Nội phải tự chủ động làm cho khách chứ? Đây là hãng dịch vụ chuyên nghiệp chứ có phải là gara tư nhân nhỏ lẻ đâu? 

Tôi thấy họ muốn đùn đẩy trách nhiệm của mình sang trách nhiệm của cá nhân. 

Chiếc siêu xe của tôi nằm ở xưởng của họ tới 2 tuần. Một chiếc xe ô tô rất to, màu đỏ, nổi bật giữa hàng bao xe Volvo ở đó mà lãnh đạo công ty hàng ngày đi làm lại nói là hoàn toàn không biết gì, không nắm bắt được gì và đổ lỗi là kỹ sư T không báo cáo.

Một hãng xe lớn theo tiêu chuẩn châu Âu như vậy không thể cho phép một cá nhân tự tiện đưa xe ngoài vào sửa riêng được. Anh kỹ sư T cũng không thể qua mặt lãnh đạo làm ngoài khi mà chiếc xe to như vậy chình ình nổi bật ở đó 2 tuần. 

Hành động và sự việc rõ như ban ngày. Cho nên, nếu nói việc sửa xe của tôi là việc riêng của kỹ sư T. thì là điều rất vô lý, phi logic. Liệu mọi người nghe câu chuyện này có tin được Volvo Hà Nội?

Kỹ sư T và kỹ thuật viên lái xe chỉ là người làm công ăn lương, nhưng khi xảy ra chuyện, thiệt hại hàng tỷ đồng, thay vì đứng ra giải quyết thì họ lại đẩy trách nhiệm cho các nhân sự. Tôi không thể hiểu vì sao họ lại ứng xử như vậy? 

Trong tai nạn làm hỏng xe của tôi, họ phải có trách nhiệm liên quan chứ không thể đứng ngoài như cách họ nói. 

Siêu xe Ferrari 488 GTB của anh H. do nhân viên Volvo cầm lái đâm vào gốc cây bị hư hỏng nặng. (Ảnh NVCC)

PV: Về phía Ferrari Việt Nam, hãng đã có hình thức giải quyết ra sao với anh? 

Chủ xe H: Tôi cũng không hài lòng với cách ứng xử của Ferrari Việt Nam. Tới tận chiều qua, ông giám đốc mới gọi điện gửi lời xin lỗi. Ông ấy nói rằng, do bận đi công tác nước ngoài, mới về Việt Nam chiều qua nên mới nắm được vụ việc. Do đó, ông ta xin lỗi và hứa sẽ nghiên cứu giải quyết. 

Chẳng lẽ, đi nước ngoài thì lãnh đạo công ty không đọc báo ở Việt Nam, không check mail báo báo công việc của nhân viên? Sự việc xảy ra đã 1 tuần mà đến giờ, họ lại bảo vẫn đang “nghiên cứu”. 

Một việc khá nực cười, tôi là “nạn nhân” nhưng lại phải chủ động đi hỏi cả hai hãng về chiếc xe của mình. 

Buổi sáng hôm đó (ngay 21/7 xảy ra tai nạn), tôi nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn kèm theo hình ảnh chiếc Ferrari 488 GTB bị nát đầu do đâm gốc cây. Tôi đã giật mình vì chiếc xe này vốn không phổ biến ở Hà Nội. 

Tôi phải gọi cho cả hai bên là kỹ sư T của Volvo Hà Nội và nhân viên Tr của Ferrari Việt Nam chỉ để hỏi: “có phải xe tôi bị tai nạn”? Lẽ ra, ngay khi xảy ra vụ việc, người của hai hãng này phải chủ động gọi điện báo cho tôi chứ?

Chiếc siêu xe Ferrari 488 GTB vẫn chưa được sửa chữa dù đã gần 1 tuần trôi qua. (Ảnh NVCC)

Nhân viên Ferrari Việt Nam gửi báo giá bao gồm VAT 

PV: Ferrari Việt Nam cho biết, họ đưa ra 2 phương án là chờ kỹ sư hãng bay ra sửa hoặc chỉ mua phụ tùng và tự thay thế và sau đó, anh chọn phương án 2?

Chủ xe H: Ban đầu, họ định sẽ có kỹ sư của hãng bay ra Hà Nội để xem xe. Nhưng sau đó, anh Tr, nhân viên Ferrari Việt Nam báo là lịch này lùi lại. Do đó, Tr chủ động đề xuất với tôi việc thay dây cua-roa ở Volvo Hà Nội và làm việc với kỹ sư T. 

Thay dây cua-roa không phải là sửa chữa gì lớn. Nói về 2 phương án, rõ ràng, để thay 1 cái dây có giá 100 USD (hơn 2 triệu đồng) tại Hà Nội với việc chi khoảng 12 triệu đồng để cẩu cả chiếc xe vào Trung tâm dịch vụ Ferrari TPHCM chỉ để thay cái dây 100 USD, vậy nếu bạn là chủ xe, bạn xe chọn phương án nào?

Bất kỳ chủ xe nào được tư vấn cung cấp thông tin và hướng dẫn như vậy thì đều chọn là sẽ làm dịch vụ ở Hà Nội. Vấn đề không phải là tiền mà là nhân viên của hãng bảo làm như thế nào thì khách làm thế đó. 
Nếu họ nói rằng, không thể thay dây ở Hà Nội mà phải bắt buộc đưa xe vào TP.HCM thì tôi vẫn làm theo mà?

Việc thứ hai, đương nhiên, Ferrari Việt Nam phải có trách nhiệm ở vụ tai nạn làm hỏng xe của tôi. 

Khi họ vào Việt Nam năm 2019, tên của tôi nằm trong danh sách khách hàng chính thức của họ rồi. Từ đó đến nay, anh Tr là một nhân viên chính của Ferrari Việt Nam có các tương tác chăm sóc khách hàng đối với cá nhân tôi.

Thông qua Tr, tôi được Ferrari Việt Nam mời tham gia các sự kiện ra mắt xe của họ, tham gia các chương trình dịch vụ bảo dưỡng diễn ra khoảng 2 lần/năm.

Do đó, khi nói chuyện với tôi và tư vấn về sửa chữa xe, Tr phải là tư cách pháp nhân, đại diện Ferrari Việt Nam cứ không phải là cá nhân. 

Chính Tr cũng là người gửi cho tôi báo giá và tiền công thay dây cua-roa, nói rõ là giá bao gồm VAT. Vậy thử hỏi, nếu là cá nhân thì sao lại có hóa đơn VAT? Phải là pháp nhân thì mới có thể xuất hóa đơn VAT được.

Tin nhắn gửi báo giá dịch vụ thay dây cua-roa của nhân viên Ferrari Việt Nam gửi cho anh H. chủ siêu xe Ferrari 488 GTB (ảnh: NVCC)

Siêu xe đã bị tai nạn, không thể khôi phục 100%

PV: Xin anh nói thêm về chiếc siêu xe và ước tính thiệt hại sau vụ tai nạn đâm gốc cây?

Chủ xe H: Năm 2017, tôi đặt mua Ferrari 488 GTB từ chính hãng ở Mỹ. Xe có rất nhiều chi tiết cá nhân hóa nên tổng chi phí sau lăn bánh là 23 tỷ đồng. Theo chính sách của hãng, xe của tôi được bảo hành, bảo dưỡng miễn phí tới 7 năm. Trung bình 1 năm ít nhất 1 lần bảo dưỡng định kỳ, không căn cứ vào số km chạy. 

Mức thiệt hại sau vụ tai nạn ước khoảng 5-6 tỷ đồng, nặng hơn siêu xe Ferrari 488 GTB bị tai nạn của ca sĩ Tuấn Hưng trước đây.

PV: Chiếc siêu xe của anh có khôi phục lại được hay không?

Chủ xe H: Có cách gì để khôi phục 100% xe trở lại như cũ? Đó là điều không thể. Kể cả chiếc xe có được khôi phục lại thì cũng không thể vận hành lại như cũ.

Khung sườn xe sẽ phải làm lại, nhưng độ chính xác sẽ khó có thể lại như ban đầu, chuẩn xác đáp ứng thông số kỹ thuật của nhà máy. Sai lệch chút thôi thì khi chạy tốc độ cao sẽ thấy rõ ngay. 

Tôi sẽ không thể đi một chiếc xe bị tai nạn. Siêu xe của tôi là nguyên bản, đang zin với nhiều chi tiết tôi đặt làm riêng. Có người chơi xe nào lại chấp nhận nổi 1 việc là từ chiếc xe zin phải đi xe đã có “dớp” tai nạn?

PV: Vậy, anh muốn được bồi thường theo hướng nào? 

Chủ xe H: Cả hai hãng Volvo Hà Nội và Ferrari Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường đối với tổn thất mà tôi phải chịu. Đừng đổ lỗi cho cá nhân. 

Riêng Ferrari, họ vốn có những tiêu chuẩn ngặt nghèo và oái oăm áp lên khách hàng của mình, thậm chí khách độ xe, làm các việc ảnh hưởng tới thương hiệu, họ còn cấm mua xe. Họ có giá trị cốt lõi riêng và có quy tắc bảo vệ thương hiệu rất đặc biệt. 

Tôi không nghĩ một hãng siêu xe lớn số 1 thế giới lại có thể dánh đổi thương hiệu để phủ trách nhiệm, không giải quyết thấu đáo với khách hàng ở Việt Nam. Tôi đang chờ đợi động thái giải quyết của họ. 

PV: Qua vụ việc này, anh nhìn thấy điều gì bất cập ở đây?

Chủ xe H: Nếu một hãng xe, nhất là siêu xe nổi tiếng đến Việt Nam mà không có xưởng dịch vụ ở một địa bàn nào đó, họ phải liên kết với một hãng xe khác hoặc một garage khác để làm dịch vụ cho khách hàng. Vậy, khi xảy ra các sự cố liên quan đến xe đó thì ai sẽ chịu trách nhiệm? 

Tôi là một khách hàng mua không chỉ 1 siêu xe. Vậy mà khi xảy ra tai nạn, sự cố, với trường hợp xe của tôi mà các hãng còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì những trường hợp xảy ra với các khách hàng khác, ở các hãng khác thì câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào?

PV: Anh có khởi kiện không?

Chủ xe H: Tôi đã làm việc với luật sư để bảo về quyền lợi của mình trong vụ việc. Việc kiện hay không sẽ phụ thuộc vào động thái tới đây của cả hai hãng xe. 

Như VietNamNet đã đưa tin, sáng 21/7, tại khu vực ngõ 45, đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội, chiếc siêu xe Ferrari 488 GTB lao như bay, mất lái, tông bật cây xanh ở vỉa hè. Người lái xe là kỹ thuật viên của Volvo Hà Nội. Anh này lái thử siêu xe trước khi giao cho khách theo chỉ đạo của kỹ sư T, Giám đốc xưởng dịch vụ.

Chủ nhân siêu xe bị tai nạn là anh H, một đại gia kín tiếng ở Hà Nội. Trước đó, theo chỉ dẫn của nhân viên Ferrari Việt Nam, chủ xe đưa xe đến xưởng dịch vụ của Volvo Hà Nội, giao cho kỹ sư T tại đây sửa.

Gửi thông tin tới báo chí, Volvo Hà Nội cho biết: "Bắc Âu Hà Nội (đơn vị pháp nhân phân phối xe Volvo ở Hà Nội và miền Bắc) và Ferrari không có bất kỳ thỏa thuận và hợp tác nào về việc sửa chữa, bảo dưỡng xe Ferrari. 

Bắc Âu Hà Nội không thực hiện việc tư vấn, báo giá, cung cấp dịch vụ, phụ tùng sửa chữa cho chiếc xe Ferrari 488 và cũng không thu nhận tiền dịch vụ từ chủ nhân của xe. 

Sự việc diễn ra là quan hệ nội bộ, cá nhân giữa Ferrari nhờ hỗ trợ, chủ nhân của xe Ferrari 488 và cá nhân nhân viên của Bắc Âu Hà Nội. Trên thực tế, việc đưa xe Ferrari vào xưởng của Bắc Âu Hà Nội không có hề có biên bản giao nhận xe và chào giá dịch vụ của Bắc Âu Hà Nội."

Trong khi đó, Ferrari Việt Nam vẫn chưa có hồi âm chính thức nào về việc này.

Xin cảm ơn anh!

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!