Chủ tịch DTT Nguyễn Thế Trung: Các giải pháp CNTT đang và sẽ hỗ trợ đắc lực cho phòng dịch Corona

Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã có chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Với mong muốn mang đến cho độc giả thêm một góc nhìn về vai trò, sự hỗ trợ của các giải pháp CNTT, trong đó có những giải pháp Chính phủ điện tử với công tác phòng chống dịch do chủng mới của virus Corona gây ra, ICTnews vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, người đã hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử:

Xin ông chia sẻ đánh giá về vai trò của các giải pháp công nghệ với việc phòng dịch Corona? Các công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, 5G… có thể hỗ trợ gì?

Trước hết phải khẳng định rằng, công nghệ đặc biệt là CNTT có vai trò lớn trong việc kết nối cũng như là xử lý thông tin một cách nhanh chóng. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc hỗ trợ chúng ta ứng phó với những hiện tượng mang tính lan nhanh toàn cầu và có nhiều đối tượng tham gia. Và dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra là một hiện tượng như vậy.

Trên thế giới các công nghệ mới như dữ liệu lớn, học máy, trí tuệ nhân tạo, 5G… đã có những ứng dụng rất cụ thể, hỗ trợ tích cực vào công tác phòng chống và ứng phó với dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta không nên bỏ qua những công nghệ rất bình thường vẫn đang làm từ trước đến nay như các công nghệ trên Internet, những công nghệ tạo ra các ứng dụng để cá nhân hóa giúp cho người dùng có thể hiểu được tình trạng của mình, nhận thức của mình cũng như lựa chọn của mình có phù hợp hay không.

Đơn cử như chúng tôi đang làm cho Bộ Y tế một Cổng thông tin về phòng chống dịch, trong đó sẽ cung cấp cho người dùng những công cụ để mọi người, từ trẻ em cho đến người già, có thể trắc nghiệm những hiểu biết của mình về dịch. Có thể chúng ta nghĩ rằng hiện nay thông tin đã được lan truyền rất lớn trên mạng xã hội, song không phải là người nào cũng có thể lọc được những thông tin đúng về dịch bệnh trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đưa ra ứng dụng để hỗ trợ người dùng tìm ra các địa điểm hỗ trợ dịch ngay xung quanh địa điểm họ đang sống, giúp cho người dân thuận tiện trong việc tìm đến cơ sở y tế để được kiểm tra, được cách ly một cách nhanh chóng khi nghi nhiễm bệnh; hay ứng dụng cho phép mọi người có thể đánh giá các cơ sở y tế, nhà thuốc đã hỗ trợ công tác phòng chống dịch như thế nào.

Những công nghệ trên không phải là công nghệ mới, thời thượng, nhưng chúng ta có thể áp dụng được ngay. Chúng tôi hy vọng rằng sắp tới khi Bộ Y tế công bố ra mắt Cổng thông tin về phòng chống dịch cùng những ứng dụng hỗ trợ, sẽ đóng góp một cách hiệu quả vào quá trình nâng cao nhận thức cho số đông, đảm bảo sự bình tĩnh, kịp thời trong câu chuyện chủ động phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch DTT Nguyễn Thế Trung: Các giải pháp CNTT đang và sẽ hỗ trợ đắc lực cho phòng dịch Corona

Chủ tịch DTT Nguyễn Thế Trung cho rằng, phòng dịch Corona làcơ hội tốt để không chỉ ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến đang có, tăng số lượng sử dụng lên mà còn là sáng tạo ra những dịch vụ công trực tuyến để phục vụ cho những nhu cầu rất cụ thể mang tính sống còn (Ảnh minh họa)

Với riêng những giải pháp Chính phủ điện tử, giải pháp nào có thể triển khai tại Việt Nam để hỗ trợ phòng chống vừa ứng phó với dịch, thưa ông?

Tôi cho rằng trong giai đoạn này, người dân, doanh nghiệp nên chọn phương thức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp. Bởi lẽ, nếu làm qua dịch vụ công trực tuyến không có sự tiếp xúc trực tiếp, trong trường hợp này, việc không tiếp xúc trực tiếp là một lợi thế rất tốt để chúng ta phòng chống lây lan dịch.

Xa hơn, chúng ta thấy rằng các dịch vụ công thường được làm theo các chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị hành chính. Nhưng nếu như dịch vụ công được chuyển sang thành những dịch vụ theo nhu cầu của người dùng. Ví dụ như dịch vụ cho phép một người trong diện được nhận an sinh xã hội của Chính phủ có thể đăng ký để biết họ được hưởng gì trong giai đoạn phòng dịch này, đó là một dịch vụ công mà từ trước đến nay chúng ta chưa làm.

Nếu chúng ta nhìn dịch vụ công dưới góc độ không phải chỉ là số hóa các dịch vụ hành chính mà còn bám sát theo nhu cầu của người dùng thì đây cũng là cơ hội để mở rộng ảnh hưởng cũng như hiệu quả của Chính phủ điện tử đến cho tất cả các đối tượng sử dụng.

Ngay trong ngành Y tế, chúng ta có thể thấy các y bác sĩ, cán bộ y tế không phải người nào cũng nhận được thông tin một cách chính xác, kịp thời. Nếu chúng ta có những dịch vụ giúp người dùng đăng ký và nhận được những thông tin chính thống một cách kịp thời thì cũng đã giúp cho hệ thống của chúng ta có được sự thống nhất cao. Thực tế tại các cơ sở y tế, các bệnh viện lớn có thể có nhiều điều kiện về thông tin, nhưng những trạm y tế xã, phường thì không được như vậy. Do đó, phải làm sao để cả các trạm y tế xã, phường cũng được hỗ trợ thông tin chính thống về dịch một cách kịp thời, nhanh chóng.

Hoặc có thể cung cấp dịch vụ công cho phép bất cứ một người nào muốn tham gia vào công tác cấp cứu, cách ly, phòng chống dịch có thể đăng ký với Chính phủ, nhờ đó chúng ta sẽ có một lực lượng trở thành những lá chắn mềm cho công tác phòng chống dịch.

Tôi nghĩ rằng, đây là cơ hội rất tốt để không chỉ ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến đang có, tăng số lượng sử dụng lên mà còn là sáng tạo ra những dịch vụ công trực tuyến để phục vụ cho những nhu cầu rất cụ thể mang tính sống còn.

Được biết Cục Tin học hóa của Bộ TT&TT dự kiến sẽ có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương lồng ghép tăng cường dùng dịch vụ công trực tuyến trong các biện pháp phòng chống dịch. Ông đánh giá ra sao về động thái này?

Tôi nghĩ rằng việc Cục Tin học hóa đưa ra đề xuất này là rất kịp thời và phù hợp. Đây rõ ràng là cơ hội để thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Từ trước đến nay chúng ta chỉ nhìn thấy rằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giúp cho việc giảm thiểu những hành vi nhũng nhiễu, đảm bảo minh bạch hơn trong quá trình phục vụ người dân. Nhưng hiện nay dịch vụ công trực tuyến mức độ cao có thêm một sức mạnh nữa, đó là không cần có tiếp xúc trực tiếp mà vẫn có thể làm được các dịch vụ, giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh.

Theo quan sát của ông những ngày qua, sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ trong việc phòng chống dịch Corona như thế nào?

Ngay khi Bộ trưởng Bộ TT&TT có chỉ thị kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ vào cuộc chống virus Corona bằng các ứng dụng công nghệ số, chúng ta đã nhìn thấy nhiều công cụ, sản phẩm công nghệ do các doanh nghiệp Việt được đưa ra. Rõ ràng, bước đầu các doanh nghiệp công nghệ Việt đã tham gia một cách kịp thời và cũng đã phát huy ngay được tác dụng hỗ trợ công tác phòng dịch do chủng mới của virus Corona gây ra bằng những sản phẩm, giải pháp họ đang có.

Chẳng hạn như Công ty InfoRe đưa ra hệ thống giúp lọc tin giả (Fake News) về dịch Corona; hay hàng loạt doanh nghiệp làm về e-learning đã sẵn sàng mở cung cấp miễn phí cho người dùng để hỗ trợ giáo viên, học sinh học tập, giảng dạy online qua mạng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để tránh lây lan dịch.

Chủ tịch DTT Nguyễn Thế Trung: Các giải pháp CNTT đang và sẽ hỗ trợ đắc lực cho phòng dịch Corona

Công ty InfoRe đã xây dựng và đưa ra hệ thống giúp cộng đồng lọc tin giả (Fake News) về dịch Corona (Ảnh giao diện trang ncov.vn của Công ty InfoRe)

Theo tôi được biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp phát triển những sản phẩm công nghệ mới để hỗ trợ cho việc phòng chống và ứng phó với dịch do chủng mới của virus Corona gây ra. Chắc chắn rằng thời gian tới sẽ liên tục xuất hiện những giải pháp công nghệ mới hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.

Tôi cũng xin chia sẻ thêm, ngay khi có dịch, xác định phòng chống dịch là việc chung của đất nước, của cộng đồng và càng có nhiều công ty cùng nhau chung tay càng tốt, Công ty DTT chúng tôi đã bàn với các thành viên của Hệ tri thức Việt số hóa để triển khai các giải pháp hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch, cụ thể chúng tôi đã cùng Bộ Y tế xây dựng Cổng thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chung mới của virus Corona gây ra tại địa chỉ https://ncov.moh.gov.vn.

Trong quá trình xây dựng Cổng thông tin này ngoài DTT, một loạt doanh nghiệp xung phong tham gia hỗ trợ Bộ Y tế, như VietnamPost cung cấp tiện ích bản đồ sử dụng Vmap.vn - một sản phẩm của Đề án tri thức Việt số hóa để giúp người dân tìm kiếm các địa điểm hỗ trợ phòng dịch đưa lên cổng bản đồ Vmap.vn; InfoRe cung cấp công cụ chống tin giả về dịch; hay là Viettel đang làm những ứng dụng tích cực hỗ trợ cho y tế dự phòng.

Là đơn vị đảm trách phần công nghệ và hỗ trợ vận hành cho Cổng thông tin của Bộ Y tế về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Công ty DTT đang nỗ lực hết sức để cổng thông tin hoạt động ổn định, cung cấp trên đó nhiều thông tin và tiện ích thiết thực hỗ trợ người dân trong quá trình phòng chống, ứng phó với dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông!