Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị cấp cao APEC đã đạt được kết quả quan trọng. Hội nghị khẳng định vai trò đi đầu của APEC trong thúc đẩy chương trình nghị sự bao trùm, bền vững trong khu vực. Các lãnh đạo đã dành riêng một phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực và từng nền kinh tế.

Hội nghị nhất trí định hướng chung hỗ trợ các nước chuyển đổi số, bảo đảm an ninh lương thực, tích hợp bao trùm và bền vững vào chính sách thương mại, đầu tư. 

Chủ tịch nước tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC.

Nhân dịp hội nghị, đã diễn ra chuỗi hoạt động với sự tham dự của hàng nghìn doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Kiến tạo các cơ hội kinh tế. Bao trùm. Tự cường. Sáng tạo”. Các hoạt động này giúp củng cố sự ủng hộ và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu và tầm nhìn của APEC vì cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, hòa bình và tự cường. 

Hội nghị là dịp quan trọng để các lãnh đạo gặp gỡ, trao đổi, cùng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề song phương cũng như đa phương. 

Nhân Tuần lễ cấp cao APEC, đã diễn ra cuộc gặp giữa các lãnh đạo về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) vì thịnh vượng. Hoạt động này đánh dấu bước tiến quan trọng của sáng kiến sau một năm rưỡi thảo luận và đàm phán giữa 14 quốc gia. Các lãnh đạo đã ra tuyên bố khẳng định mục tiêu xây dựng IPEF trở thành diễn đàn mở, bao trùm, linh hoạt, dài hạn và năng động nhằm thúc đẩy lợi ích chung, góp phần bảo đảm tương lai hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho mọi người dân. 

Nói về đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, Hội nghị cấp cao năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam gia nhập APEC. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC 2023 và có những đóng góp quan trọng.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đóng góp nổi bật của Việt Nam là những ý tưởng và đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm ứng phó với vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hòa và nhân văn.

Chủ tịch nước cũng đã có những đề xuất cụ thể đối với sứ mệnh và nhiệm vụ của APEC trong giai đoạn mới nhằm thích ứng và tiếp tục thành công. Đó là duy trì và củng cố những thành tựu quan trọng về tự do hóa và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu. Hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với thách thức. Tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng. 

402314394 916511740475790 2636611873455690773 n.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các nhà lãnh đạo APEC tại hội nghị

Những ý tưởng, quan điểm này được các lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và đưa vào văn kiện của hội nghị, qua đó mở ra những hướng đi mới cho hợp tác của APEC.  

Các nước nhất trí ủng hộ đề xuất của Việt Nam đăng cai năm APEC 2027. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đề xuất này đã khẳng định cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và diễn đàn APEC nói riêng.

Tất cả thành viên APEC đều bày tỏ đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn hai thập kỷ qua và khẳng định sự tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam.  

Mỹ sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam

Bài phát biểu của Chủ tịch nước về tình hình thế giới, đường lối đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Mỹ tại Hội đồng quan hệ Đối ngoại Mỹ được các giới tại Mỹ đánh giá rất cao.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, qua các cuộc gặp, hai bên nhất trí nỗ lực tiếp tục triển khai kết quả thỏa thuận hai nước nhân chuyến thăm cấp Việt Nam của Tổng thống Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Mỹ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Chủ tịch nước có các hoạt động song phương tại Mỹ.

Hai nước sẽ tập trung vào kinh tế - thương mại - đầu tư, trong đó Mỹ sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; coi khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá, tiếp tục hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các doanh nghiệp Mỹ bày tỏ quan tâm cao tới thị trường Việt Nam, khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, năng lượng; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao...phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định, chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thành công tốt đẹp, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

"Chúng ta đã truyền tải được những thông điệp quan trọng về quan điểm, cách tiếp cận của Việt Nam đối với những thách thức đang đặt ra với thế giới và khu vực, chủ trương, chính sách cụ thể trong triển khai đường lối đối ngoại, trong đó có Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.

Bộ trưởng nhận định, với việc lần thứ 3 đăng cai APEC 2027, Việt Nam một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là minh chứng sống động về sự tin cậy của các thành viên APEC cũng như cộng đồng quốc tế đối với vai trò, vị thế của Việt Nam.

Ảnh: TTXVN