Mở đầu thông điệp Chủ tịch nước bày tỏ: "Hòa trong niềm hân hoan của mọi người dân trên toàn cầu chào đón năm mới 2022, mọi người dân Việt Nam chúng ta như càng thêm vui, thêm tự hào về việc đã hoàn thành thắng lợi trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021".
Vào thời điểm này, cách đây tròn 2 năm, được sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế với 192/193 phiếu ủng hộ, biển tên hai chữ “Việt Nam” đã được đặt trang trọng tại phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cơ quan có tầm quan trọng hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9. |
Chủ tịch nước cho biết, đây là niềm tự hào, song cũng là thách thức lớn của Việt Nam, trong bối cảnh tình hình thế giới, các khu vực diễn biến phức tạp, và chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Phát huy thế và lực mới của đất nước, với nỗ lực rất cao, cùng sự ủng hộ, hợp tác của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tham gia chủ động và tích cực, đề xuất nhiều sáng kiến, đóng góp thực chất vào công việc của Hội đồng Bảo an, với thông điệp xuyên suốt là “Đối tác vì hòa bình bền vững” trong tìm kiếm giải pháp ngăn ngừa, xử lý xung đột, kết nối hợp tác Hội đồng Bảo an với ASEAN, ứng phó với các thách thức đối với hòa bình và an ninh quốc tế, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh, tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Từ nước nghèo, nhận viện trợ, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác tích cực, chủ động đóng góp có trách nhiệm và tham gia cùng Liên hợp quốc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu về hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.
Trong hành xử, Việt Nam tự tin mang tâm thế của một đất nước yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, khiêm nhường, nhân văn, nhân ái, trọng lẽ phải, với lịch sử hào hùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Quá trình đó, cũng thể hiện hình ảnh của một Việt Nam năng động, đổi mới, với thông điệp mạnh mẽ về tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước hùng cường đến năm 2045 đã đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Những nỗ lực của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, cùng tổng thể thành công của các công tác đối ngoại nói chung đã góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, hội nhập toàn diện của đất nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, đưa quan hệ với các nước, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Việt Nam đã khép lại nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với nhiều dư âm đánh giá tích cực, đồng điệu với nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế về một thế giới hòa bình bền vững, không có chiến tranh, xung đột; không còn đói nghèo, bất bình đẳng. Dư âm đó bồi đắp thêm niềm tin, tiếp thêm xung lực cho Việt Nam đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Chủ tịch nước khẳng định: "Chung tay với cộng đồng quốc tế ngày nay, là một Việt Nam mới tự tin, sẵn sàng gánh vác nhiều trọng trách quốc tế vì hòa bình và phát triển bền vững".
Trần Thường
Chủ tịch nước: Nỗ lực hơn, làm sao cho xứng đáng 'hai chữ Việt Nam'
Giao nhiệm vụ cho các cán bộ, nhân viên Phái đoàn và chuyên gia Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần cần nỗ lực nhiều hơn nữa vì “hai chữ Việt Nam”, đóng góp tích cực đối ngoại đa phương, nâng tầm vị thế Việt Nam.