Sáng 22/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho”
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo đưa ra những điểm mới như quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch. Dự thảo cũng bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhất trí sự cần thiết ban hành luật, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp.
Về định hướng nội dung xây dựng luật, cơ quan thẩm tra đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý đến vấn đề cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế.
Tránh tác động chính sách để cài cắm lợi ích
Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý việc huy động các nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị và nông thôn cần phải được thực hiện chặt chẽ, tránh nguy cơ thông qua hỗ trợ quy hoạch để tác động chính sách, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”.
Do vậy, theo ông Bùi Văn Cường, cần quy định cụ thể hơn về việc công bố công khai, minh bạch thông tin của tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn hỗ trợ. Sau này, nếu có liên quan đến việc cài cắm lợi ích, người dân sẽ phát hiện ra ngay.
“Thực tế ở địa phương, một số doanh nghiệp cũng muốn tài trợ cho quy hoạch, nếu không công bố công khai, lại cài cắm lợi ích của anh vào thì rất mệt. Cần thiết phải xã hội hóa, nhưng cũng cần phải công bố cho rộng rãi”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Nói về quá tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở các đô thị hiện nay, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cho rằng, quá trình giám sát về quy hoạch là nội dung còn nhiều tồn tại.
“Khi làm quy hoạch, chúng ta rất cẩn trọng, nhưng khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phê duyệt dự án thì ở mức độ ‘nhẹ nhàng hơn’ so với những yêu cầu ban đầu”, ông Lê Quang Huy nói.
Theo ông Lê Quang Huy, tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự luật đã đề cập khá rõ về vấn đề trên. Các điều khoản của luật đã đề cập tới cụm từ ‘tránh quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội’ về giao thông, cấp thoát nước, rác thải sinh hoạt và y tế, giáo dục, cây xanh…
“Luật đã đề cập đến vấn đề này. Nhưng tôi đọc thì băn khoăn liệu rằng có cần bổ sung quy định gì để cụ thể hơn về vấn đề này hay không. Căn cứ vào đó thì mới biết quá tải là như thế nào”, ông Lê Quang Huy nêu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập nội dung liên quan đến chiều cao công trình trong đô thị, vấn đề này đã tranh luận rất nhiều lần. Theo ông, đây là vấn đề lớn, cũng là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn.
“Khi chúng tôi làm việc với Bộ Xây dựng nhiệm kỳ trước mới ngộ ra một điều, chiều cao của công trình chỉ do vấn đề an ninh, an toàn bay thôi, chứ không ai cấm xây nhà cao tầng trong nội đô cả”, ông Vương Đình Huệ nêu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quan trọng là việc xử lý các mối quan hệ giữa kết cấu hạ tầng với chiều cao công trình như thế nào. Trong thực tế, Bộ Xây dựng cũng không quy định vấn đề chiều cao này. Đây là nội dung gây ra nhiều khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ.
Về phạm vi quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội ví dụ, nếu như quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) lấy trong thực tế phạm vi quy hoạch chỉ 5km2. Nếu như áp tiêu chí, tiêu chuẩn về dân số thì phải rút ra rất nhiều dân.
“Nhưng sau đó chúng ta thay đổi tư duy, lấy 4 quận trong nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình) thành một tổng thể quy hoạch để cân đối thì mới giải quyết được bài toán về vấn đề dân số và hạ tầng”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phải chăng tiêu chuẩn, tiêu chí về dân số, mật độ chiều cao công trình nên để tư vấn quy hoạch đề xuất trên cơ sở quy hoạch tổng thể, chứ không nên quy định cứng nhắc về việc này.