Nêu ý kiến hoàn thiện định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, qua các thời kỳ phát triển, Thủ đô đã đạt được những thành tựu ở nhiều lĩnh vực nhưng cũng bộc lộ một số điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển trong tương lai.

Trong đó, chưa có một thể chế thực sự vượt trội để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Mặc dù đã có Luật Thủ đô nhưng còn nhiều quy định ràng buộc khiến thành phố chưa thể đột phá.

Nhà ở riêng lẻ nằm xen kẽ các tòa nhà cao tầng trong nội thành Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hà)

GS.TS. Hoàng Văn Cường nêu rõ các điểm nghẽn của Hà Nội hiện nay như: Hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng phục vụ hơn 8 triệu dân; Môi trường bị ô nhiễm nặng nề; Quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp; Bộ máy cán bộ chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

“Đây là những điểm nghẽn cơ bản mà Hà Nội cần phân tích thấu đáo và có phương án giải quyết nhằm đảm bảo cho sự phát triển trong giai đoạn tới”, ông Cường nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, theo ông Cường, quy hoạch Thủ đô cần quan tâm đến yếu tố văn hoá, văn hiến, văn minh Thăng Long -  Hà Nội. Xây dựng Hà Nội thành thành phố toàn cầu, tăng cường năng lực quản trị. Đặc biệt, thành phố cần giảm tải cho nội đô bằng cách di dời bệnh viện, trường học ra bên ngoài.

Trong khi đó, theo GS.TS. Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, việc phát triển đan xen nhà cao tầng lẫn thấp tầng trong nội đô tạo nên thách thức cho thành phố trong vấn đề về giao thông, không gian công cộng, công viên, vườn hoa.

Theo ông Lê Quân, mặc dù nhà ở thấp tầng có tỷ lệ phát triển lớn nhưng các chính sách xây dựng đối với khu vực này còn nhiều hạn chế và bị chi phối bởi chính sách đất đai. Vì vậy, việc kiểm soát mật độ cư trú của loại hình này rất quan trọng, nhằm giảm áp lực phát triển với khu vực này.

Để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân, theo nhóm chuyên gia gồm TS. Chu Mạnh Hùng (Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Luật Hà Nội) và TS. Đỗ Xuân Trọng (Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội), Hà Nội cần phải chỉ rõ những điểm nghẽn trong khu dân cư.

“Đây là điểm nghẽn đáng báo động và vụ cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) vừa qua là ‘tiếng chuông cảnh tỉnh’ cho Thủ đô trong vấn đề đảm bảo chất lượng, an toàn cho các công trình xây dựng cũng như yêu cầu thay đổi chất lượng bộ mặt Thủ đô trong thời gian tới”, nhóm chuyên gia Trường Đại học Luật Hà Nội nêu ý kiến.

Toà chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân) bị cháy đêm 12/9 khiến 56 người thiệt mạng.

Nhóm chuyên gia Trường Đại học Luật Hà Nội cũng mạnh dạn đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng (nhà riêng lẻ của khu vực dân sự, nhà liền kề, phân lô, bán nền) trong khu lõi của Thủ đô và xây dựng hệ thống nhà tầng hiện đại. Việc này vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, vừa mở rộng được hệ thống hạ tầng.

Để khắc phục những tồn tại của TP Hà Nội hiện nay, theo PGS. Lương Tú Quyên (giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), quy hoạch Thủ đô giai đoạn mới cần kế thừa và phát huy mô hình chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm. Trong đó, đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm được liên kết với nhau bằng hệ thống đường giao thông vành đai và các trục hướng tâm.

“Áp dụng mô hình đô thị vệ tinh để chia sẻ chức năng và giảm tải cho đô thị trung tâm. Trước mắt cần tập trung phát triển đô thị ở Hoà Lạc, Đông Anh, Mê Linh”, PGS. Lương Tú Quyên nêu quan điểm.