Về kết quả thực hiện Kế hoạch 81 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay, các đại biểu đều đánh giá rất cao những đổi mới của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt là sự chủ động, đồng hành, sát sao, từ sớm, từ xa của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và các cơ quan của Quốc hội.
Các đại biểu bày tỏ hết sức ấn tượng khi chỉ chưa đầy 10 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 81, đến nay đã hoàn thành tới 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp, trong bối cảnh thời gian này Quốc hội, Chính phủ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.
Điều này cho thấy sự chủ động và tinh thần quyết tâm hết sức mạnh mẽ của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế.
Khối lượng công việc, nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81 trong thời gian tới vẫn còn rất lớn, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất khó (như việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai...), các đại biểu đều thống nhất rất cao yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từng cơ quan, tổ chức đều phải quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp cụ thể và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ngày 14/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Kết luận nhằm định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội.
Qua gần 1 năm thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Ông cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức của trong điều kiện nguồn lực và quỹ thời gian đều có hạn nhưng phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, những nhiệm vụ hệ trọng chưa từng có để thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Kết luận số 19 của Bộ Chính trị đã được triển khai hết sức nghiêm túc, khẩn trương, bài bản, công phu và đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Chỉ sau 9 tháng của năm đầu tiên thực hiện Kết luận số 19 và Kế hoạch số 81, các cơ quan đã hoàn thành 68/137 nhiệm vụ theo đúng tiến độ yêu cầu trước 30/6/2022, đạt 49,6% tổng số nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, trong đó, có 8/68 nhiệm vụ thực hiện vượt tiến độ. Các dự luật được trình Quốc hội vừa qua đều đạt được sự đồng thuận rất cao.
"Đây là kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan trong khối lập pháp, hành pháp, tư pháp và MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp...”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá rất cao sự đổi mới, quyết liệt của tất cả các cơ quan với những biện pháp, cách thức triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Phối hợp từ sớm, từ xa, lắng nghe lẫn nhau thì khó mấy cũng làm được
Đánh giá cao sự phối hợp, đồng hành giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan trình rất chặt chẽ, không phân biệt “quyền anh, quyền tôi”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đến lần trình Quốc hội thứ hai thì “đổi vai hay không đổi vai" - cơ quan nào chủ trì báo cáo Quốc hội - cũng không còn quan trọng nữa.
Chức trách nhiệm vụ của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra vẫn rành mạch, quan điểm vẫn giữ vững, nhưng các cơ quan cộng đồng trách nhiệm với nhau, cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ lưỡng đến cùng.
Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng hết sức tích cực, dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật, không còn tình trạng “giao phó – giao cho cấp phó” như trước đây nữa.
"Do đó, chúng ta phải tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Theo cách thức này thì các dự án luật dù khó mấy chúng ta cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV không chỉ “đóng khung” lại trong 137 nhiệm vụ tại Kế hoạch số 81, đây chỉ là định hướng, do đó, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần chủ động đề xuất thêm các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tăng cường các phiên họp chuyên đề xây dựng luật, bố trí thời gian phù hợp để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng; tổ chức các hội nghị ĐBQH chuyên trách; đổi mới cách thức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến chuyên gia... Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ, đưa dự án luật, pháp lệnh vào chương trình hàng năm.
Đặc biệt, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; xây dựng các cơ chế, quy định để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu sự đồng hành với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Phải tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật nói chung và triển khai Kết luận số 19, Kế hoạch số 81.