Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cuối chiều 9/6, ĐB Cầm Hà Chung (Phú Thọ) mong Phó Thủ tướng trao đổi, làm rõ thêm nội dung liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phải chỉ ra cụ thể lợi ích nhóm nào, chỗ nào

Cụ thể hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn lợi ích nhóm, cục bộ, ngành chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào và sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”, ĐB chất vấn.

ĐB Cầm Hà Chung (Phú Thọ)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, có hay không có vấn đề đó, có lẽ cũng phải chỉ ra cụ thể là lợi ích nhóm nào, chỗ nào.

“Nhưng cũng xin báo cáo với các vị ĐBQH, để bảo đảm chất lượng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định hết sức chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, Phó Thủ tướng nói.

Đây là những quy định trong luật xây dựng văn bản pháp luật. Đặc biệt, khi xây dựng phải lấy ý kiến về đánh giá tác động của chính sách, là lấy ý kiến của đông đảo nhân dân, các đối tượng bị tác động.

Phó Thủ tướng liệt kê các công việc cần làm trong quá trình xây dựng văn bản và cuối cũng là lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi đưa ra Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ còn tổ chức các phiên họp chuyên đề về luật pháp hoặc các phiên họp thường kỳ để xem xét các dự thảo về luật, đặc biệt luật trước khi trình Quốc hội.

“Đó là quy trình hết sức chặt chẽ. Với quy định nêu trên của luật, nếu tuân thủ quy trình xây dựng văn bản pháp luật một cách nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng theo quy trình này rất khó xảy ra, bởi vì không thể một cơ quan nào xây dựng luật được mà phải trên cơ sở lấy ý kiến đánh giá tác động cũng như tiến trình hết sức chặt chẽ”, Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh

Ngoài ra, Chính phủ đã đề ra những quy định và có những biện pháp, nhóm giải pháp, đó là cần minh bạch hóa và kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng luật, xây dựng văn bản.

Bên cạnh đó là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan Chính phủ, nhất là vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan. Trong các cuộc họp, Thủ tướng cũng luôn luôn yêu cầu khi xây dựng luật thì các Bộ trưởng phải có trách nhiệm nếu là các cơ quan chủ quản đề xuất dự án luật. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, từ năm 2015, luật yêu cầu thành lập các ban soạn thảo có thành phần của nhiều cơ quan cùng tham gia vào việc xây dựng luật...

Pháp luật có phải là “tội đồ” làm chậm trễ gói phục hồi kinh tế?

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) trao đổi với Phó Thủ tướng về việc báo cáo của Phó Thủ tướng và qua giải trình của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này cho thấy thêm một lần nữa pháp luật được coi là “tội đồ” cho sự chậm trễ trong thực hiện một số gói phục hồi kinh tế và nhiều mục tiêu khác.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội)

Là người trực tiếp phụ trách công tác xây dựng thể chế theo phân công của Thủ tướng, kính mong Phó Thủ tướng cho biết việc chậm trễ có đúng là do rào cản pháp luật hay không? Phải chăng những cơ chế đặc thù là chưa đủ và nếu đúng là do pháp luật thì xin Phó Thủ tướng chỉ giúp đó là những quy định nào để Quốc hội được biết và cũng có căn cứ để hoàn thiện thể chế?”, ĐB Mai chất vấn.

Trả lời, Phó Thủ tướng cho biết, khi giải ngân nguồn vốn đầu tư công với tình hình triển khai chậm, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát lại về vấn đề thể chế xem những vướng mắc gì.  

Không chỉ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước, kể cả nguồn vốn ODA, Tổ công tác đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, các địa phương báo cáo lên.

Ông Phạm Bình Minh dẫn báo cáo tổng hợp lên có khoảng 2.000 vấn đề, trong đó khoảng 60-70% là do hiểu chưa hết các quy định thủ tục. Sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành về giải thích, hiểu các quy định trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.

“Tôi chắc các tỉnh, thành đều nhận được văn bản này, kể cả nguồn vốn đầu tư công trong nước lẫn nguồn vốn ODA, còn lại những vấn đề gì liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, đó là nghị định, thông tư của các bộ thì tập hợp lại để điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng, của các bộ, ngành. Vấn đề gì liên quan đến luật thì sẽ tập hợp, điều chỉnh và báo cáo đề xuất”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, trên thực tế đã có một số chính sách để thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công như Nghị quyết 43 của Quốc hội vừa qua.

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu lại việc, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm.

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam). Ảnh: Quốc hội

Xin Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể gì để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước trong thời gian tới?”, ĐB đặt câu hỏi.

Khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề phân cấp, phân quyền, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị bàn về vấn đề phân cấp, phân quyền giữa các Bộ, ngành với các địa phương và cũng đang chỉ đạo cho các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nội vụ trong vấn đề thực hiện các giải pháp phân cấp, phân quyền.

“Nội dung này cũng đã có báo cáo về những lĩnh vực phân cấp, phân quyền. Cụ thể là trong vấn đề đầu tư công, đầu tư các tuyến đường cao tốc vừa qua Chính phủ cũng đề xuất những nội dung liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong vấn đề thực hiện các dự án về đầu tư công”, Phó Thủ tướng thông tin.

Thu Hằng