Chủ tịch Hội Hữu nghị Thuỵ Sĩ-Việt Nam Anjuska Weil dành một tình cảm đặc biệt cho đất nước hình chữ S, từ những năm 1960, bà đã tham gia phong trào chống chiến tranh và làm nhiều hoạt động thiện nguyện cho Việt Nam.
Sáng 28/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ (Hạ viện) Martin Candinas thăm chính thức Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đã tiến hành hội đàm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ cùng đoàn sẽ như trở về nhà, trải nghiệm, tìm hiểu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas nêu rõ, Thụy Sĩ là một trong những nước đầu tiên của Tây Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cho đến nay, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp cả song phương và cả đa phương.
Ông Martin Candinas cho biết trọng tâm chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ là luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược trong khu vực Đông Nam Á; chuyến thăm lần này tiếp tục khẳng định và thực hiện chính sách đó.
Chia sẻ ấn tượng trước sự vươn lên phát triển vượt bậc và hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ vui mừng khi qua chuyến thăm sẽ có thêm thời gian tìm hiểu về đất nước Việt Nam và sự hợp tác giữa hai nước.
Trong không khí cởi mở, thân tình, hai bên thông tin về tình hình của mỗi nước và phương hướng nhằm tăng cường, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khái quát về các mục tiêu Việt Nam đang hướng tới và cảm ơn Thụy Sĩ đã luôn đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây cũng như trong công cuộc phát triển ngày nay.
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ, tự hào sau hơn nửa thế kỷ quan hệ hai nước đã phát triển tích cực toàn diện.
Muốn đi nhanh, về đích phải đi cùng nhau
Về kinh tế - thương mại, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thụy Sĩ tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam ở các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ du lịch...
Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn thay đổi chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc và ưu tiên những ngành công nghệ cao thích hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Định hướng này của Việt Nam phù hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp của Thụy Sĩ.
Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas cho biết, Thụy Sĩ hoan nghênh cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam và Thụy Sĩ có quan điểm tương đồng về việc không phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Thụy Sĩ sẽ luôn quan tâm, sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để hai bên cùng đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Hơn 30 năm qua, Thụy Sĩ đã có chương trình, dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng cường trong thời gian tới.
Việt Nam trở thành một nước phát triển năng động trong khu vực và có môi trường đầu tư hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ quan tâm.
Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ hoạt động tại Việt Nam.
Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ chia sẻ, đoàn sẽ làm việc với doanh nghiệp Thụy Sĩ để đánh giá hoạt động nhất là việc bảo đảm điều kiện lao động của người lao động.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam và Thụy Sĩ là anh em hơn nửa thế kỷ thì không có vấn đề gì không thể bàn, từ vấn đề song phương đến các vấn đề mang tính toàn cầu. Đồng thời khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Khối Mậu dịch tự do Châu Âu
Tại hội đàm, hai bên dành nhiều sự quan tâm đến việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA). Hai bên đang đi nhanh và đúng hướng, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ kỳ vọng năm 2024 hai bên có thể ký kết thành công góp phần cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Chia sẻ câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi nhanh và về đích thì phải đi cùng nhau”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc ký kết EFTA là không thể trì hoãn thêm, kỳ vọng Hiệp định sớm được ký kết để đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cả hai bên.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hai nước cũng có nhiều cơ hội trong hợp tác trong khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Về lập pháp, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục trao đổi đoàn, giữa các Ủy ban chuyên môn và giữa các nghị sĩ. Tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, kiến tạo thể chế phát triển, đáp ứng yêu cầu mang tính toàn cầu như chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ảnh: Quốc hội