Chiều 29/6, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị sơ kết kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. 

Trễ hẹn mục tiêu tăng tốc

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, cả hệ thống chính trị đã có nhiều nỗ lực, đạt được một số kết quả khả quan, như: khởi công được Vành đai 3 và một số công trình quan trọng; phối hợp với Trung ương xây dựng, trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 (thay thế Nghị quyết 54).

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: "Chúng ta đừng để nghe nói thêm sở này, cán bộ kia hay thành phố trì trệ nên gây ra những ách tắc cho người dân và doanh nghiệp".

Tuy nhiên, ông Mãi thừa nhận, qua đánh giá tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó,  quý 1 gặp khó khăn, quý 2 có cải thiện và 6 tháng đầu năm GRDP chỉ đạt 3,55%, thấp so với chỉ tiêu chung cả năm (7,5-8%)

“Với tình hình hiện tại, nếu nỗ lực hết sức chúng ta cũng chỉ tiệm cận được chỉ tiêu đề ra, tức GRDP có thể đạt gần 7%, nhưng cũng khá khó khăn”, ông Mãi thừa nhận. 

Còn theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố, kinh tế 6 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn đối diện 6 nguy cơ và 2 điểm thuận lợi trong 6 tháng còn lại của năm 2023. 

Ông Phạm Bình An, Phó Việt trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố nhìn nhận, TP.HCM còn đối diện 6 nguy cơ và 2 thuận lợi trong 6 tháng còn lại.

Ông Phạm Bình An chỉ ra 6 nguy cơ cần nhận diện, là: Xuất khẩu tiếp tục giảm, tác động thanh khoản kém, nhu cầu tín dụng giảm, thị trường xuất khẩu chưa hồi phục, giải ngân đầu tư công còn chậm, doanh nghiệp và người lao động tiếp tục gặp khó khăn. Còn hai cơ, là kinh tế quý 2 phục hồi và đầu tư công có dấu hiệu tăng trưởng tốt. 

“Tuy nhiên, nguy nhiều hơn cơ nên khả năng TP.HCM khó đạt chỉ tiêu đề ra GRDP đạt từ 7,5-8% của năm 2023”, vị đại diện này nhận định.

Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch cho biết, kinh tế thành phố có nguy cơ trễ hẹn thêm một năm, khi dấu hiệu hồi phục vẫn chưa tốt. 

“Tôi còn nhớ, thành phố đặt mục tiêu năm 2022 là phục hồi kinh tế và năm 2023 là tăng tốc. Tuy nhiên, tình hình và bối cảnh vừa qua cho thấy, việc tăng tốc sẽ trễ hẹn và chỉ có thể đạt được mục tiêu này trong năm 2024”, TS Trần Du Lịch khẳng định. 

TS Trần Du Lịch phát biểu

Cũng theo ông Lịch, dấu hiệu phục hồi kinh tế từ quý 2 và 3 vừa qua là nhờ vào sự “chòi đạp” của hệ thống doanh nghiệp. Còn các chính sách của chính quyền đưa ra để phục hồi hay tăng tốc kinh tế luôn có độ trễ, không phải có hiệu qủa ngay tức thì.

Thúc đẩy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Về giải pháp, cả Viện nghiên cứu kinh tế cũng như TS Trần Du Lịch cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn khó lường, thị trường xuất khẩu tiếp tục ngưng trệ… thì giải pháp kích cầu thị trường nội địa là trọng tâm cho 6 tháng cuối năm.

Tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; phục hồi niềm tin của doanh nghiệp bằng nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ vay vốn, các chương trình kích cầu…

Đặc biệt, ông Trần Du Lịch cho rằng, thành phố phải kịp thời sắp xếp bộ máy điều hành ngang tầm nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 98 (thay thế Nghị quyết 54) mà Quốc hội vừa thông qua. Tuy nhiên, cần nhận thức, mục tiêu triển khai Nghị quyết 98 là lâu dài, chứ khó mà đạt được ngắn hạn. 

Theo Viện nghiên cứu phát triển, thành phố cũng cần chuẩn bị một số kịch bản an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong trường hợp đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thúc đẩy đầu tư công là một trong những trụ cột dẫn dắt nền kinh tế phục hồi. Vì theo ông, chỉ tiêu này trong 6 tháng đầu năm đạt 23%, không đạt chỉ tiêu như đề ra là 35%. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh chi tiêu, mua sắm công, ông Mãi yêu cầu các sở, ngành chủ động tập trung mua giải quyết nhu cầu cho đơn vị và đẩy nhanh chi tiêu công.

Đặc biệt, Chủ tịch TP yêu cầu các sở, ngành tập trung phối hợp đồng bộ, hiệu quả để gỡ khó cho doanh nghiệp. "Chúng ta đừng để nghe nói thêm sở này, cán bộ kia hay thành phố trì trệ nên gây ra những ách tắc cho người dân và doanh nghiệp", ông Mãi nhấn mạnh.