Chiều 20/2, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thực hiện Đề án 06 không phải dễ nhưng qua 2 năm triển khai thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

anh mai 2.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Phan Văn Mãi, kết quả thực hiện Đề án 06 sẽ là nền tảng hỗ trợ cho việc chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Năm 2024, TP.HCM xác định chủ đề là “Triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội”.

Vì vậy, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu các đơn vị chủ trì chương trình chuyển đổi số cần gắn với Đề án 06, bám sát chỉ đạo của Trung ương để đạt được mục tiêu mà thành phố đề ra.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, sở, ngành tổng hợp, rà soát tình hình để thành phố sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong năm 2024.

“Phải tập trung đánh giá hiện trạng, lên kế hoạch đầu tư hạ tầng cho chuyển đổi số gắn với Đề án 06”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phải số hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung kết nối với dữ liệu quốc gia; cần phát huy dữ liệu của Đề án 06, làm sạch, làm giàu, làm sống dữ liệu gắn với an ninh, an toàn.

Trên nền tảng của Đề án 06, ông Phan Văn Mãi cho rằng, cần tiến tới vận hành ứng dụng dùng chung thống nhất với các ứng dụng khác.

Để chương trình chuyển đổi số đạt hiệu quả thiết thực, theo Chủ tịch TP.HCM, cần tập trung cho nền tảng thủ tục hành chính, đặt lên hàng đầu khâu đào tạo nguồn nhân lực. “Phấn đấu đến cuối năm 2025, các hoạt động của thành phố phải diễn ra trên nền tảng số”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cho rằng, chuyển đổi số phải đồng bộ với phát triển chính quyền số, xã hội số, tiến tới xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh.

Đề án 06 vẫn còn nhiều vướng mắc

Trước đó, báo cáo sơ kết Đề án 06, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, qua 2 năm triển khai đề án đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, từ đó thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

tdt 3.jpg
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, báo cáo về tình hình triển khai Đề án 06.

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Công an TP.HCM với vai trò là cơ quan thường trực đã quyết liệt triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao của Đề án 06. Đặc biệt là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý cư trú; tinh giản các loại giấy tờ cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính, giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tăng cường tính chính xác, nhanh chóng trong các hoạt động nghiệp vụ…

Đề án 06 được quan tâm triển khai góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về công tác phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, cũng như công cuộc chuyển đổi số.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Đề án 06, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án; chủ động triển khai các nhiệm vụ trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, tiếp cận và triển khai các tiện ích để người dân, doanh nghiệp sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việc số hóa dữ liệu cần được đánh giá cụ thể, tận dụng dữ liệu sẵn có để áp dụng phương thức số hóa phù hợp, không đầu tư các kho dữ liệu trùng lặp thông tin, gây tốn kém ngân sách nhà nước.

Thông tin công dân trong các cơ sở dữ liệu phải được thu thập, cập nhật, chỉnh sửa đầy đủ, kịp thời, đảm bảo luôn “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ kết nối, chia sẻ, giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, các bộ, ngành cần chia sẻ với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố về tình trạng xử lý, thông tin hồ sơ, kết quả giải quyết dịch vụ công của người dân thành phố khi thực hiện trên cổng dịch vụ công của các bộ, ngành.

Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức chuyên môn nghiên cứu, hiệu chỉnh giao diện khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thao tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia chuyển đổi số.