Với việc giữ vững vị trí thứ 2 về xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2022, tiếp tục phát huy năm 2023, TP.HCM xác định chủ đề về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh là dữ liệu số.
Lời toà soạn
Với quy mô và mật độ dân số trung bình cao nhất nước, TP.HCM tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong 3 năm liên tiếp theo kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2022 do Bộ TT%TT công bố. Cụ thể, TP.HCM giữ vị trí cao về chỉ số Thể chế số (xếp thứ 1), Hạ tầng số (xếp thứ 1), Hoạt động chính quyền số (thứ 2), Hoạt động kinh tế số (thứ 4). VietNamNet đã tìm hiểu những bài học để TP.HCM duy trì thành công này.
Tầm nhìn của TP.HCM là sẽ điều hành nền hành chính của Thành phố trên nền tảng số. Năm 2023 là Năm dữ liệu số, Thành phố sẽ tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trong đó, mục tiêu trọng tâm được TP.HCM đưa ra là: Người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan Nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh; Cơ quan Nhà nước sử dụng dữ liệu từ các hệ thống thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.
Để đạt được các mục tiêu trên, trong năm 2023, TP.HCM sẽ hoàn thành kế hoạch đưa vào vận hành thống nhất Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống xác thực định danh, cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an cũng như CSDL Quốc gia các bộ ngành.
Đồng thời, thực hiện thống nhất quy trình số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tái cấu trúc quy trình nội bộ trên cơ sở khai thác hiệu quả dữ liệu từ kho dữ liệu của Thành phố, đảm bảo nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước. Hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đối với thủ tục đủ điều kiện).
Ứng dụng Công dân số cũng sẽ được TP.HCM triển khai thống nhất trên di động để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của các cơ quan Nhà nước mọi nơi, mọi lúc. Chữ ký số sẽ được tích hợp trên hệ thống để người dân và doanh nghiệp có thể ký trực tiếp vào các biểu mẫu điện tử, có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, TP.HCM tiếp tục hoàn thiện và vận hành nhóm 5 nền tảng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố. Năm hệ thống này cùng với hệ thống giám sát việc xử lý thủ tục hành chính sẽ cung cấp bộ công cụ cơ bản cho các cấp chính quyền Thành phố chỉ đạo, điều hành, các cơ quan dân cử giám sát bằng hệ thống công nghệ và dữ liệu khách quan. Đây cũng là những công cụ quan trọng để điều hành đô thị thông minh theo Đề án của thành phố và quản trị thành phố trên các nền tảng số.
TP.HCM cũng sẽ tổ chức triển khai hai chiến lược quan trọng: Chiến lược quản trị dữ liệu và Chiến lược an toàn thông tin. Trong đó, tập trung phát triển 3 nhóm dữ liệu gồm: Nhóm dữ liệu phục vụ quản lý đất đai – đô thị; Nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; Nhóm dữ liệu về phát triển tài chính – doanh nghiệp.
Thành phố tiếp tục phát triển Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm điều hành Đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm an toàn thông tin thành phố; Tập trung phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số; Thành lập Trung tâm Chuyển đổi số là đơn vị trực thuộc UBND Thành phố để triển khai thực thi chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; Tổ chức hệ thống đánh giá chỉ số kinh tế số bài bản, khoa học; Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế số.
Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương sẽ được Thành phố chú trọng nhằm hoạt động hiệu quả hơn, để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số. Trước hết, cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt. Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ được giao; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số và an toàn thông tin; đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định.
Phát huy hiệu quả công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và truyền động lực tích cực cho toàn bộ cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp cùng Thành phố tham gia triển khai Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng đô thị thông minh.
Ngoài ra, TP.HCM đã ban hành các văn bản chỉ đạo chuyển đổi số như Kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc về chuyển đổi số của Thành phố; Ban hành Chiến lược quản trị dữ liệu của Thành phố; Ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số Thành phố và Kế hoạch triển khai Bộ chỉ số chuyển đổi số Thành phố năm 2023; Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các mô hình điểm tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” phục vụ chuyển đổi số tại TP.HCM. Trong đó, Thành phố đưa ra sáng kiến triển khai 20 mô hình điểm làm cơ sở đánh giá hoàn thiện và thực hiện nhân rộng nâng cao hiệu quả kết quả Đề án.
Năm 2023, Thành phố tổ chức xây dựng và triển khai Đề án thành lập Trung tâm chuyển đổi số trực thuộc UBND TP.HCM, nhằm huy động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ về triển khai, thực thi các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số, đô thị thông minh; cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, chính trị xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp; Tổ chức xây dựng và triển khai Đề án nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chính quyền cấp phường, xã, thị trấn.