Phát biểu tại tổ sáng 25/5 thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng tình với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, kết quả này là tổng hợp của những nỗ lực quyết liệt, không mệt mỏi trong thời gian qua.

Ông Mãi nói TP.HCM đã kiểm soát được dịch Covid-19 rất tốt, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế diễn ra mạnh mẽ và khá đồng bộ. 

Chủ tịch TP.HCM đặt vấn đề, nếu mở cửa chậm hơn 1 tháng thì sẽ ra sao và nếu không có các biện pháp, chính sách về phòng chống dịch thì điều gì sẽ xảy ra. Từ đây, cho thấy bài học rất lớn về sự quyết đoán, quyết liệt, đồng bộ trong việc mở cửa và thực thi các chính sách sau Covid-19. 

Bày tỏ tâm tư tha thiết của cử tri TP.HCM, đặc biệt là cử tri ngành y tế, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian vừa qua, sau chống dịch đã ghi nhận, tôn vinh lực lượng y tế như những "người hùng". Những tháng gần đây, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế.

"Trên truyền thông, mạng xã hội, trong xã hội đang có xu hướng nhìn bất kỳ cái gì, bất cứ việc mua sắm nào của y tế cũng đều có chủ ý sai phạm. Từ đây dẫn tới hình ảnh, uy tín của ngành sau khi là người hùng trong chống dịch thì bây giờ như là những người sẵn sàng vi phạm vì lợi ích của mình”, ông Mãi giãi bày. 

Ông cho rằng, phải lãnh đạo, định hướng như thế nào để phát hiện, xử lý được những vụ việc vi phạm nhưng phải bảo vệ được uy tín của ngành y tế

Lãnh đạo TP.HCM nêu thực tế, các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc men, trang thiết bị, việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân không bảo đảm. "Đây là việc tôi cho rằng rất cấp bách, cần trao đổi để có giải pháp tức thì", ông Mãi nêu.

Ông cũng cho biết, hôm qua (24/5) đã làm việc với Sở Y tế để tính toán, đề xuất mua được thuốc, hoá chất phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân TP hàng ngày.

ĐBQH Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) có nhiều tâm tư khi nói đến vấn đề này. Ông cho rằng "ai sai thì phải xử lý" nhưng trong quá trình "chống dịch như chống giặc" thì cần có cái nhìn toàn diện và đa chiều. Ông nói đến việc mua sắm trang thiết bị chống dịch ở các địa phương từng là tâm dịch TP.HCM, Bắc Giang, Hải Dương khác với những nơi khác.

Theo ông Thức, sau tất cả những sự cố xảy ra vừa qua, ý kiến của nhiều cử tri ngành y tế đặc biệt là cán bộ trong quản lý ngành y đều thống nhất "có thể ngồi lại để bổ sung điều chỉnh 1 số quy định về công tác đấu thầu y nhằm tăng quản lý nguy cơ, giảm xử lý hậu quả".

Dẫn lại ý kiến của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan từng phát biểu "có nên đấu thầu thuốc rẻ nhất hay không? Nếu thuốc rẻ nhất trúng thầu có lợi cho sức khoẻ người bệnh hay không?", ông nhấn mạnh "rẻ thì khó mà đi chung với chất lượng tốt".

ĐB khẳng định trình độ y khoa và nghiệp vụ của các bác sĩ ở TP.HCM và Hà Nội có thể sánh kịp với khu vực và thế giới. Ông cho biết, một trong những nguyên nhân của điều này do có thiết bị y tế hiện đại, "bác sĩ đi học nước ngoài về mà không có thiết bị thì cũng như không".

Do đó, ông cho rằng một mặt tích cực của liên danh, liên kết trong ngành y tế đã giúp cho các bệnh viện lớn trong bối cảnh kinh tế eo hẹp có nhiều thiết bị hiện đại, giúp tay nghề bác sĩ tăng lên, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, giảm thời gian nằm bệnh,...mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt người bệnh thay vì phải đi nước ngoài thì chỉ cần điều trị trong nước.

Từ đây, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị sớm ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết và khuyến khích bệnh viện liên danh liên kết trong trang thiết bị y tế, để tạo hành lang pháp lý. Ông cũng cho biết, nếu các bệnh viện không có thiết bị mới thì trình độ bác sĩ chắc chắn sẽ đi xuống.

Thời gian qua ngành y tế ban hành nhiều văn bản “quá đột ngột”, làm cho người bệnh, bệnh viện vào thế khó, ông Thức đề nghị Chính phủ chỉ đạo các nhà quản lý ngành y tế khi ban hành văn bản nào liên quan trực tiếp đến người bệnh thì nên cân nhắc kỹ, tham khảo ý kiến các nhà quản lý bệnh viện.

Nói về thực trạng y tế cơ sở trong thời gian qua cần được đầu tư, ĐB Thức lưu ý “tránh đầu tư trạm y tế xã thành bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh vì sẽ lãng phí. Không phải cứ đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, mà phải đầu tư vừa đủ với chức năng”.

Ông nhấn mạnh đến vai trò con người ở trạm y tế và ông không thống nhất với chính sách đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế xã. Một bác sĩ ra trường không có kinh nghiệm khám bệnh mà đưa về vùng sâu, vùng xa, những nơi không có thiết bị hỗ trợ thì sẽ không có kinh nghiệm lâm sàng, sẽ bị tụt hậu chuyên môn. Và ông kiến nghị luân chuyển bác sĩ ở tuyến tỉnh, huyện đã công tác trên 5 năm về trạm y tế xã trong khoảng 6 tháng đến 1 năm, còn bác sĩ ở trạm y tế xã thì luân chuyển ngược lại lên huyện, tỉnh để học, phát triển chuyên môn.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi. Bà cho rằng “y tế, giáo dục là 2 lĩnh vực sống còn để lo cho con người” cho nên Chính phủ phải mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là Bộ Y tế.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan.

Muốn làm tốt y tế, giáo dục phải có nguồn nhân lực bên cạnh những điều kiện khác. Bà Lan nhấn mạnh Bộ Y tế cần mạnh mẽ hơn trong xây dựng chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế xứng đáng, hợp lý.

“Chúng ta mất chất xám rất nhiều, khi 5-6 năm đào tạo một bác sĩ mà đa số các em sẽ đi làm trình dược viên, làm người giới thiệu thuốc, bán hàng để có được lương đủ sống trước mắt nhưng sau này lụi nghề hết”, bà Lan nêu thực tế. 

Nữ ĐB nhấn mạnh, bác sĩ cần có y đức và ai vi phạm phải xử phạt nhưng các cấp quản lý phải có trách nhiệm tạo môi trường cho bác sĩ thể hiện y đức đó nếu không cũng dễ “sảy chân”.

Trần Thường

Bộ trưởng Y tế 'đau lòng' nhưng lên án cán bộ vi phạm pháp luật

Bộ trưởng Y tế 'đau lòng' nhưng lên án cán bộ vi phạm pháp luật

ĐBQH nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua bán thuốc. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đây là những vụ việc “hết sức đau lòng".

Bộ Y tế nhận trách nhiệm về việc mua vắc xin muộn

Bộ Y tế nhận trách nhiệm về việc mua vắc xin muộn

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận Việt Nam tiếp cận vắc xin sớm nhưng mua muộn, vì nhiều lý do.

Bác sĩ chỉ nên giữ vai trò chuyên môn để không vướng vào vòng lao lý

Bác sĩ chỉ nên giữ vai trò chuyên môn để không vướng vào vòng lao lý

Qua một số vụ án, ĐBQH cho rằng cán bộ y tế là quản lý các bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ ở tội phạm về chức vụ mà còn là tội phạm về kinh tế, "phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp".