Doanh nghiệp bất động sản đổi tên, thay sếp, chuyển trụ sở, làm mới kế hoạch kinh doanh để mong thoát khỏi số phận tả tơi của thời kỳ mang họ dầu khí.

Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) vừa thông báo họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 16/12 với một loạt các thay đổi quan trọng như: bổ sung thành viên HĐQT, bổ nhiệm TGĐ, đổi tên công ty; đổi trụ sở chính…

Theo tài liệu, HĐQT dự tính đổi tên Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) thành Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà đất Việt (VPRO).

Không những thế, HĐQT cũng tính đổi trụ sở chính từ quận Nam Từ Liêm sang quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Như vậy, nếu được phê duyệt, PVL sẽ có những thay đổi rất lớn sau một thời gian dài chìm trong vũng bùn lầy bất động sản. Số phận tả tơi của doanh nghiệp mang họ dầu khí này được kỳ vọng khởi sắc sau một loạt các dự tính thay đổi nói trên.

CTCP Địa ốc Dầu khí tiền thân là CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower Land), thành viên của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).

Trước đó, doanh nghiệp mang họ dầu khí này đã chạy đua đầu tư vào bất động sản và sau đó đã gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường đi xuống. Hàng loạt dự án dang dở, lỗ nặng khiến doanh nghiệp sống trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc.

{keywords}

Có một khoảng thời gian, PVL được xem là công ty địa ốc có nhiều bê bối nhất trong các đại gia địa ốc.

Ở vào thời điểm thị trường BĐS sốt nóng, PVL lao vào thị trường với 2 dự án án Petro Vietnam Landmark (phường An Phú, quận 2) và Petrovietnam Green House (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) và được đánh giá sẽ trở thành một “đại gia” trong giới kinh doanh địa ốc trong tương lai.

Tuy nhiên, PVL đã chìm vào vùng bùn BĐS với 2 dự án nói trên.

Đầu năm 2014, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có Thông báo về việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Ngọc Sáu, chủ tịch HĐQT PVL, về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại Hà Nội, không kém phần rắc rối, bê tối liên quan đến PVL đó là dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng (sát cạnh Keangnam). Suốt 13 năm giao đất dự án liên tục bị đổi vận.

Năm 2014, PVL bầu lại toàn bộ HĐQT nhưng DN vẫn không lối thoát. Hàng ngàn cổ đông của PVL vẫn bơ vơ vì DN hết tiền và không có người lãnh đạo.

Cổ đông lớn Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – Tổng công ty PVC (mã PVX) đứng ra tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông cho PVL nhưng không thành do không đủ cổ phần biểu quyết.

Hiện PVL được giao dịch ở mức 2.600 đồng/cp.

Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - Tổng Công ty PVC (mã chứng khoán PVX) cũng chính thức thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 vào ngày 15/12 tới sau nhiều lần trì hoãn.

Theo tài liệu công bố, PVC đặt mục tiêu doanh thu 7 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 55 tỷ đồng trong năm 2017, bất chấp doanh thu hợp nhất 9 tháng chỉ đạt hơn 2,5 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận âm hơn 32 tỷ.

Trong phiên giao dịch 11/12, hàng loạt các cổ phiếu tài chính và nhiều cổ phiếu dầu khí bị bán tháo khiến VN-Index mất gần 23 điểm. Trừ PVX sau khi có “tin vui” tái cơ cấu tăng 4,5%, còn lại phần lớn giảm điểm. GAS đã giảm 2,9% về 83.200 đồng, PVS giảm 2,2% về 18.100 đồng.

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt lao dốc trong đó Vietinbank (CTG) giảm sản. BID cũng giảm 4%, STB giảm 5%, SHB giảm 5,3%...

Cổ phiếu chứng khoán SSI, VND giảm 5%; bảo hiểm BVH giảm 5,8%...

Về tổng thể, quy mô trên TTCK tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, thị trường đang có bước dừng lại do khối ngoại đảo danh mục và giảm giao dịch trước kỳ nghỉ lễ tết.

Theo CTCK BDS, rủi ro đang ở mức khá cao. Phiên điều chỉnh 11/12 là phiên điều chỉnh mạnh nhất trong năm 2017. Yếu tố chính trị cũng gây ảnh hưởng mạnh đến sự giảm điểm của các mã cổ phiếu đặc biệt với các ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.

Bên cạnh đó là sự giảm sâu của SAB khi ngày thoái vốn đang tới gần nhưng giá cổ phiếu này đã giảm xuống thấp hơn rất nhiều so với giá khởi điểm. Với những thông tin không mấy tích cực thì nhà đầu tư đang khá bi quan với thị trường hiện tại, bằng chứng là số mã giảm điểm trong phiên hôm nay nhiều gấp 3 lần số mã tăng điểm.

BSC nhận định, thị trường hiện tại đang khá nhạy cảm với những thông tin được đưa ra, nhà đầu tư không nên tham gia quá mạnh vào thị trường khi rủi ro đang ở mức khá cao. Tuy nhiên, cũng có thể xem xét mở vị thế đối với những mã cổ phiếu có triển vọng tốt khi hiệu ứng những thông tin tiêu cực suy giảm sẽ là thời điểm của báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 cũng như năm 2017.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/12, VN-index giảm 22,71 điểm xuống 917,45 điểm; HNX-Index giảm 2,03 điểm xuống 111,78 điểm. Upcom-Index giảm 0,19 điểm xuống 54,27 điểm. Thanh khoản đạt gần 275 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 5,7 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

H. Tú