Liên quan đến việc cơ quan chức năng đang thực hiện rà soát, kiểm tra toàn bộ nhà ở riêng lẻ, công trình có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (thường được gọi là chung cư mini) trên toàn quốc; với những công trình xây dựng sai phép cần được xử lý như thế nào?

Bổ sung quy định, quản lý chặt

Chia sẻ với PV VietNamNet, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa quan điểm cần mạnh tay xử lý, muộn còn hơn không.

Theo bà Nhung, giấy phép xây dựng có quy định rõ số tầng, nhưng trong quá trình thực hiện chủ nhà, chủ đầu tư tự ý nâng tầng là vi phạm pháp luật về xây dựng.

Thực tế từ trước đến nay, chúng ta chưa có quy chế quản lý nhà chung cư mini… điều này bà Nhung đã khuyến cáo khi sửa đổi Luật Xây dựng cũng như Luật Nhà ở.

Theo chuyên gia, với những chung cư mini xây dựng sai phép cần tạm dừng hoạt động, “cắt ngọn”. 

“Phải kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, quá trình vận hành bởi có những nhà xây dựng ở giai đoạn trước chưa có tiêu chí, nhưng bây giờ mật độ dân cư ngày càng cao. Nhà chung cư mini sẽ là nhà “ổ chuột” trên cao nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ các điều kiện sống, mật độ dân cư được sống trong một căn hộ là bao nhiêu người. Việc này cũng cần phải có quy chế và quản lý rõ ràng”, bà Nhung nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, bây giờ, cần kiểm tra, đo vẽ hiện trạng, có thể có trường hợp phải ngừng cấp phép, ngừng hoạt động nếu không đảm bảo điều kiện về dân số, PCCC, mật độ dân cư trên một địa bàn. 

“Cần xem độ tuổi của những chung cư mini đó đã tồn tại bao nhiêu năm kể từ lúc xây, chất lượng như thế nào, việc duy tu bảo dưỡng ra sao, hệ thống thoát hiểm, điều kiện thoát hiểm ở những nơi có mật độ dân cư cao cũng phải có quy định cụ thể, chính xác để có thể khắc phục từng bước những hậu quả đáng tiếc xảy ra như vừa qua.

Phải khôi phục các hạng mục như cấp phép, thậm chí phải đóng cửa tòa chung cư mini để sửa chữ khi nào đáp ứng đúng yêu cầu mới đưa vào vận hành”, bà Nhung nêu quan điểm.

Với những trường hợp cấp phép ban đầu nhà ở riêng lẻ, hồ sơ ban đầu để cấp phép không đưa ra nội dung phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, chủ nhà chuyển mục đích sang kinh doanh, cho thuê trọ, dịch vụ lưu trú nhưng không hoàn thiện các thủ tục phê duyệt về phòng cháy, chữa cháy thì cần xử lý ra sao?

Theo bà Nhung, chủ nhà tự ý thay đổi thiết kế, mục đích sử dụng là vi phạm pháp luật, vi phạm điều kiện đưa nhà vào hoạt động. Thay vì sử dụng là nhà ở riêng lẻ lại vận hành với mật độ dân cư cao, không đảm bảo vấn đề thoát hiểm khi có cháy nổ, không đủ điều kiện kinh doanh lưu trú, thì họ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những hành vi này.

“Cần phải chấn chỉnh, kiểm tra, giám sát, kê khai hồ sơ, vẽ lại bản vẽ để đạt chuẩn yêu cầu với các nhà chung cư mini đã xây dựng. Khôi phục hiện trạng ban đầu trong những trường hợp mật độ quá cao. Các công trình sai giấy phép phải tháo dỡ và tạm dừng hoạt động. 

Đồng thời, phải tuân thủ quy định, tiêu chuẩn quốc gia về PCCC theo quyết định 261 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 28/2/2023 mới được hoạt động.

Phải tháo dỡ, cắt ngọn... có “đau” mấy cũng phải làm, nếu không các công trình sai phép này trở thành những “u nhọt”, tiềm ẩn nguy cơ cướp đi tính mạng, tài sản của nhiều người”, vị chuyên gia nói.

Cần chính danh cho chung cư mini vì xã hội đang cần

Trong khi đó, chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, luật pháp cần thể hiện rõ hơn để chính danh cho sự tồn tại của loại nhà chung cư mini.

“Chính danh chưa có mà hủy bỏ cũng không nên, khi loại nhà này xã hội đang cần. Cần tìm giải pháp để quản lý được loại hình nhà chung cư mini. 

Trong đó, pháp luật cần nghiên cứu bổ sung; còn về kỹ thuật cần đưa ra các tiêu chuẩn thích hợp với loại nhà này. Mục tiêu cuối cùng là cung cấp chỗ ở cho người dân, nhưng ở phải đảm bảo, an toàn”, ông Chủng cho hay.

Theo PGS.TS Trần Chủng, những nhà đang tồn tại phải kiểm tra vật tư, vật liệu nếu cháy có thể gây ra khí độc thì cương quyết loại bỏ. Về an toàn PCCC, các chung cư mini phải bổ sung lối thoát hiểm cho từng căn hộ như ban công, lô gia, cửa sổ… để người dân thoát ra được khi có sự cố.