Ngày 7/3/2022, tại Samten Hills Dalat (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chính thức trao tặng "Chứng nhận Không gian văn hóa tâm linh" dành cho Không gian Phật giáo Kim cương thừa bên trong Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat.
Samten Hills Dalat được kiến tạo bởi Đại lão Hòa Thượng Drubwang Sonam Jorfel Rinpoche của dòng truyền thừa Drigung Kagyu, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Phật giáo Kim cương thừa tại Việt Nam”.
Lễ khánh thành có sự tham gia của nhiều vị khách quý như đại diện của Ladakh tại Hạ viện Ấn Độ, Venerable Jamyang Tsering Namgyal; Ủy viên Điều hành Ladakh, Tashi Gyalson, ông Tashi Gyalson; Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Ladakh, Ngài Shri. Thupstan Chhewang.
Các vị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Phật giáo tỉnh Lâm Đồng quang lâm tham dự có: Thượng toạ Thích Thanh Huân, Uỷ viên thường trực Hội đồng trị sự, Phó chánh Văn phòng 1, kiêm Phó Ban thường trực Ban Thông tin truyền thông Trung ương; Thượng toạ Thích Minh Nghiêm, Uỷ viên thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Thọ.
Tại buổi lễ, thủ ngôi dòng truyền thừa Drigung Kagyu Ấn Độ H.H. Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche và đại diện chư tôn đức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: “Việc trao Bằng chứng nhận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam có ý nghĩa giới thiệu với cộng đồng những giá trị kiến trúc và tâm linh quý báu của không gian Phật giáo Kim Cương và mong muốn khuyến khích gìn giữ, bảo vệ và phát huy cho đời sau những di sản văn hóa có giá trị”.
“Với sự hỗ trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm đồng và sự chứng nhận của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim cương thừa tại Samten Hills Dalat là tâm nguyện của Đại lão Hòa thượng Drubwang Sonam Jofel cùng các học trò của mình đã thành tựu. Qua đó, góp phần khơi thông dòng chảy Phật giáo Kim cương thừa tại Việt Nam với những hạt giống của sự tỉnh thức, sự giác ngộ và tâm từ bi, nơi cảm nhận được niềm an lạc, hoan hỉ lan tỏa, nơi con người có thể dễ dàng cảm nhận và chiêm bái tại không gian di sản văn hóa tâm linh Phật giáo ngay tại đất nước Việt Nam”, ông Mạnh nói.
Cùng ngày, sự kiện khoa học “Những dấu ấn lịch sử của Phật giáo Kim Cương thừa tại Việt Nam” đã được tổ chức trang trọng trong khuôn khổ Lễ khánh thành Không gian văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Đặng Hồng Hải, PGS.TS Trần Thị An và TS Trần Hậu Yên Thế và các nhà khoa học cùng giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới về di sản của Phật giáo Kim Cương thừa tại Việt Nam.
Theo đó, từ hơn một nghìn năm trước, theo chân các cao tăng từ Ấn Độ, Phật giáo Mật tông đã đi vào lãnh thổ Việt Nam và để lại những di sản quan trọng trong việc hình thành không gian Phật giáo của người Việt. Đến ngày nay, những di sản đó vẫn còn nguyên giá trị với đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Nhưng cùng với việc du nhập của nhiều luồng văn hóa, sự phát triển của đời sống hiện đại, không dễ bóc tách và nhận diện các dấu ấn của Phật giáo Mật tông nói chung và Phật giáo Kim Cương thừa nói riêng tại nước ta. Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu với sự tư vấn của các nhà khoa học hàng đầu, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam ghi nhận hệ thống biểu tượng Phật giáo tại quần thể Samten Hills Dalat là một công trình độc đáo, giàu giá trị văn hóa và vô cùng hiếm có tại Việt Nam.
“Dễ dàng nhận thấy trong các nét vẽ của các họa sư từ Himalaya không chỉ có kỹ thuật truyền thừa, mà còn mang theo cả lòng thành kính với Phật pháp từ trong tâm khảm. Không thể vẽ được như vậy chỉ thuần túy bằng kỹ thuật”, TS Trần Hậu Yên Thế khẳng định.
Không gian văn hóa Phật giáo Kim Cương thừa tại Samten Hills Dalat là một quần thể được tạo tác bằng những thực hành mỹ thuật cổ xưa từ đôi bàn tay của những họa sư đến từ vùng đất Nepal - nơi đã sinh ra Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Bậc thầy lớn của nhân loại. Từng đường nét, họa tiết đều được thực hiện bởi định lực và sự hợp nhất Thân - Tâm của các nghệ nhân họa sư. Tất cả họa tiết và hình vẽ mang những ý nghĩa sâu xa,cao quý và huyền bí.
Bên cạnh đó, quần thể các công trình văn hoá Phật giáo được Hòa thượng Drubwang Sonam Jorfel Rinpoche kiến tạo cũng là những nét thu hút người yêu mến văn hóa thập phương.