Ngày 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2022 tại TP.HCM.
Báo cáo về công tác báo chí trong năm, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại. Nhiều tòa soạn đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân nhằm thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Dù vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật của cơ quan báo chí còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu trước sự phát triển của công nghệ và các nền tảng số diễn ra mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm đối tác công nghệ, nguồn vốn đầu tư, nhân lực có trình độ công nghệ thông tin để chuyển đổi số gặp rất nhiều khó khăn.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tác nghiệp của một bộ phận người làm báo vẫn còn hạn chế, chưa theo kịp ứng dụng công nghệ vào quá trình tác nghiệp gắn với chuyển đổi số.
Dù khẳng định chuyển đổi số báo chí là một xu hướng tất yếu không thể đảo ngược, song Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thừa nhận, làm thế nào để chuyển đổi số báo chí thành công không phải là điều dễ dàng.
“Từ nhận thức đến hành động thực tiễn là cả một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí”, ông Lâm phát biểu.
Để chuyển đổi số báo chí thành công, yếu tố quan trọng được nhiều đại biểu tán thành chính là việc dùng chung cơ sở dữ liệu và hạ tầng, nhằm tránh lãng phí và tạo sự đồng bộ cao.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cần có chiến lược chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí theo hướng sử dụng chung hạ tầng. Việc này nhằm tránh được phát triển riêng rẽ từng địa phương, dẫn đến phân tán nguồn lực.
Để có chiến lược chuyển đổi số lâu dài, bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đề xuất, phải có chuyên gia am hiểu cả lĩnh vực báo chí và công nghệ, giúp các cơ quan báo chí lập kế hoạch, chiến lược phát triển. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí cần có nguồn nhân lực và vật chất lớn. Đại diện Thông tấn xã Việt Nam đề xuất các cơ quan quản lý cần tạo cơ chế, chính sách để báo chí có điều kiện thực hiện thành công chuyển đổi số.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm thừa nhận, nhiều cơ quan báo chí đã sẵn sàng với tư duy chuyển đổi số nhưng không phải đơn vị nào cũng tìm ra được phương pháp. Do đó, theo ông Lâm, các đơn vị có thể nghiên cứu phương án dùng chung dữ liệu, dùng chung hạ tầng công nghệ để thực hiện chuyển đổi số.
“Có những cái cơ quan báo chí tự làm được, nhưng cũng có cái đòi hỏi chi phí rất lớn”, ông Lâm nêu vấn đề. Do đó, việc sử dụng một số nền tảng có thể giúp các toà soạn tiết kiệm chi phí và nguồn lực.
Xu hướng báo chí đa nền tảng
Trong việc sử dụng công nghệ để chuyển đổi số báo chí, một xu hướng đang thấy rõ hiện nay là báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu. Một số đơn vị truyền thông lớn trong nước đã ứng dụng thành công xu hướng hiện đại này.
Ông Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân Điện tử (Báo Nhân Dân) cho hay, từ giữa năm 2021, cơ quan này xây dựng kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Bên cạnh báo giấy, Báo Nhân Dân ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí, đẩy mạnh phát hành tin tức trên mạng xã hội, nhằm đa dạng hình thức tuyên truyền, nhắm tới nhiều đối tượng độc giả, trong đó có độc giả trẻ.
Xu hướng đa thiết bị, đa nền tảng cũng được Đài Truyền hình Việt Nam ứng dụng. Ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số Đài truyền hình Việt Nam cho hay, ứng dụng VTV Go của đài hiện là một trong những nền tảng trụ cột để đưa truyền hình lên Internet.
Nhờ xây dựng ứng dụng, các nội dung truyền hình được đưa lên mọi thiết bị (thiết bị di động, TV,…), xem được mọi lúc mọi nơi. Ứng dụng này cũng phục vụ được 1 triệu bà con kiều bào, vốn trước đây khó tiếp cận hơn thông qua kênh truyền hình truyền thống.