Từ cuối năm 2019, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Nhưng với sự tác động mạnh mẽ và bất ngờ từ COVID-19, tiến trình chuyển đổi số có cơ hội được đẩy mạnh hơn và năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần khẳng định mạnh mẽ là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số”.

Giữa năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trước đó, ngay đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng cũng phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030. Dự kiến trong năm nay, sẽ có thêm nhiều nội dung được Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, như Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam…

Về mặt thể chế, chính sách, Chính phủ cũng đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình và chuẩn bị ban hành mới Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù có người cho rằng Việt Nam vẫn đi sau các quốc gia phát triển về công nghệ số, nhưng khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra xúc tác, tiến trình phát triển số được đẩy nhanh. Trên một nửa số doanh nghiệp trong nước cho biết đã sử dụng các công cụ và nền tảng số nhiều hơn trong các năm 2020, 2021.

Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong nước với nước ngoài. Điều này giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác; đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay mới đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

       

Trong thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực chủ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ, doanh nghiệp còn loay hoay với câu chuyện kết nối cung - cầu.

Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Sau quá trình triển khai khảo sát thu thập thông tin doanh nghiệp, đến nay, Cục Công nghiệp đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp.

Cụ thể là 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày.

Trong bối cảnh này, sự ổn định nguồn cung và năng lực của các nhà cung cấp địa phương trở nên hết sức quan trọng.

Việc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các công ty đa quốc gia thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu này, cùng với môi trường kinh doanh ổn định và ít rủi ro của Việt Nam - được minh chứng bởi thành công trong kiểm soát dịch COVID-19 nhanh chóng, hứa hẹn giúp khẳng định Việt Nam là một trung tâm chế biến chế tạo chủ chốt trong khu vực.

Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế; là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Với mức tăng trưởng được duy trì khoảng 10,6%/năm, khu vực chế biến, chế tạo đang được xem là “điểm sáng” của ngành công nghiệp Việt Nam nói chung trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19 gây ra.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang là lĩnh vực chủ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2019, cả nước thu hút được 3.478 dự án mới, với tổng vốn đạt gần 31,8 tỷ USD thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tài chính để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu; mở rộng thông tin dữ liệu của nhiều ngành hàng và tiếp tục phát triển các tính năng mới cho phép doanh nghiệp tự tạo gian hàng giới thiệu sản phẩm.

Từ đó, tiến đến thiết lập một sàn thương mại điện tử về công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận, thúc đẩy hợp tác, góp phần đưa ngành công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai./.

Nguyễn Đình Quyết