Cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI

Kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) của tỉnh Bình Dương giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, đặc biệt năm 2021 đạt tổng điểm 47,178/80 điểm, tăng 55 bậc so với năm 2020, đứng thứ 2 cả nước.

Trong đó, 8 chỉ số nội dung PAPI của Bình Dương đều tăng điểm, có 7 nội dung được xếp ở nhóm điểm cao nhất, 01 nội dung ở nhóm điểm trung bình cao. 

Đây được coi là bước đột phá hết sức ấn tượng, khẳng định sự nỗ lực, nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm mục tiêu vận hành bộ máy chính quyền các cấp vì nhân dân phục vụ.

Bình Dương đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp.

Những kinh nghiệm quý trong việc nâng cao Chỉ số PAPI của Bình Dương được xác định như xây dựng các báo cáo phân tích kết quả từng tiêu chí, tiêu chí thành phần từng nội dung, lĩnh vực của Chỉ số PAPI.

Đối với Kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI, Bình Dương đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở. Xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất. Nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với nhân dân. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh, phấn đấu Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2022 tăng bậc so với những năm trước. 

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, công tác cải cách hành chính của tỉnh được Trung ương đánh giá cao. Vì vậy, các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố phải tiếp tục có sự quyết liệt hơn nữa để nâng cao các thứ hạng, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và cấp ủy Đảng.

Từng cấp ủy phải có chỉ thị, kế hoạch về cải cách hành chính, định lượng được chất lượng cải cách hành chính của địa phương, lấy sự hài lòng người dân làm thước đo cho sự phấn đấu. Cần bố trí nguồn lực cán bộ "một cửa" chuyên nghiệp, tận tình phục vụ nhân dân.

Chuyển đổi số là mũi nhọn phát triển

Bình Dương là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Nguồn lực của tỉnh chủ yếu tập trung phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các nguồn lực công nghệ thông tin cũng tập trung cho các công tác nhập liệu, triển khai các ứng dụng phòng, chống dịch bệnh.

Vì thế, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính...

Nhờ đó, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ với 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Các hệ thống dùng chung và các hệ thống thông tin chuyên ngành đã từng bước hiện thực hóa các thành phần trong Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc và chữ ký số đã được triển khai liên thông 4 cấp, với 279 cơ quan sử dụng.

Hiện nay, hầu hết các văn bản ban hành qua phần mềm quản lý văn bản đều sử dụng chữ ký số của cơ quan hoặc cá nhân. Hệ thống thư công vụ được quản lý, vận hành hoạt động ổn định với 8.151 hộp thư điện tử đã được cấp.

Hệ thống Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử tỉnh đang tiếp tục được nâng cấp với các tính năng mới, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh đã được thành lập và đi vào hoạt động, có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị (hơn 1.000 chỉ số ở 23 lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh) phục vụ đắc lực trong quá trình giám sát, điều hành công việc về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh. 

Xây dựng thí điểm ứng dụng App phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thí điểm nền tảng phân tích dự báo; thí điểm nền tảng AI về nhận dạng khuôn mặt, đám đông và các vi phạm giao thông.

Theo kết quả đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021, dù bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tình hình dịch bệnh, tuy nhiên Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) tỉnh Bình Dương có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, xếp hạng 22/63 tỉnh thành phố, tăng 09 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh còn gặp những khó khăn, vướng mắc về nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số. Chưa có hướng dẫn, quy định rõ ràng, cụ thể các văn bản liên quan gây khó khăn trong công tác triển khai. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn gặp một số khó khăn…

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, cơ quan báo chí tham gia tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền những tiện ích của đề án mang lại phục vụ nhân dân. Nâng cao quản lý, điều hành của cơ quan có thẩm quyền, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, người dân. Tiếp tục triển khai ứng dụng nền tảng địa chỉ số cho các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh theo chỉ tiêu của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

UBND tỉnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyên ngành. Hợp nhất Cổng Dịch vụ công trực tuyến và phần mềm Một cửa điện tử để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp nhằm hoàn thiện các tiện ích chính quyền số. Phát triển ứng dụng di động dùng chung của tỉnh. Tích hợp, cung cấp các dịch vụ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Minh