Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ TT&TT cùng gần 300 lãnh đạo Sở Nội vụ một số tỉnh khu vực phía Bắc cùng lãnh đạo, chuyên viên cao cấp và tương đương của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, chuyển đổi số là một chủ trương lớn đã được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đang được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng rất quan tâm. Thủ tướng đã ban hành quyết định kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban.
Tại các bộ, ngành, địa phương cũng đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu bộ, ngành, địa phương làm trưởng ban. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết cần phải triển khai trong giai đoạn hiện nay.
Việc chuyển đổi số liên quan đến sự thay đổi thói quen, phương thức làm việc, do vậy, cần sự đồng lòng, thống nhất về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức Bộ Nội vụ - Bộ tham mưu giúp Chính phủ trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, công tác cải cách hành chính...
Buổi tập huấn hôm nay nhằm trang bị các kiến thức về chuyển đổi số nói chung, định hướng công tác chuyển đổi số của Bộ Nội vụ nói riêng trong thời gian tới, để cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ đồng hành, thống nhất trong quá trình triển khai. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu số, chuyển đổi phương thức, nền tảng quản lý cán bộ, công chức trên môi trường điện tử.
Thực hiện Đề án Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Nội vụ đã chuẩn bị hạ tầng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp của ngành Nội vụ, trong đó, có cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước (dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11 năm nay), cơ sở dữ liệu chuyên ngành về thi đua khen thưởng, dữ liệu về công tác thanh niên…
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, các hệ thống dữ liệu sẽ được tích hợp và chia sẻ trên nền tảng số. Việc tích hợp hệ thống dữ liệu của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành sẽ tiết kiệm thời gian cập nhật dữ liệu, tiết kiệm chi phí quản lý dữ liệu, sử dụng có hiệu quả có nền tảng và dữ liệu của các bộ, ngành khác tổng hợp, tránh chồng chéo, lãng phí.
Ông Vũ Đăng Minh cho rằng, để chuyển đổi số nhanh chóng và hiệu quả, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những người tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Do đó, Bộ Nội vụ tổ chức tập huấn về vai trò của chuyển đổi số đối với việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ, vừa là nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, vừa là xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo.
Tại tập huấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cùng các chuyên gia đã trao đổi về những nhiệm vụ trọng tâm để chuyển đổi số hiệu quả; vai trò dữ liệu thống kê đối với công tác chuyển đổi số; hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số và những nhiệm vụ ưu tiên trong chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam đã đi kịp "chuyến tàu". Lần đầu tiên thuật ngữ "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" được nhắc đến là năm 2015. 4 năm sau, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về vấn đề này, đến năm 2020 Thủ tướng ban hành cụ thể hoá thành chương trình Chuyển đổi số quốc gia…Cho đến giờ toàn bộ những định hướng quốc gia về chuyển đổi số đã hình thành đầy đủ”.
Năm 2022, Thủ tướng đã chỉ đạo chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, làm sao để người dân được thụ hưởng trực tiếp lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Thứ trưởng TT&TT hy vọng năm 2022, Bộ Nội vụ sẽ bám vào tinh thần này để phục vụ người dân tốt hơn.
Bộ TT&TT định kỳ hằng năm đã xuất bản cẩm nang về chuyển đổi số, từ khi phát hành đã có khoảng 7 triệu lượt đọc. Thứ trưởng TT&TT cho rằng cán bộ, công chức Bộ Nội vụ có thể tham khảo cẩm nang này.
Trong bối cảnh như vậy, từ khoá liên quan đến chuyển đổi số là “thông minh hoá”. Thứ trưởng giải thích, máy móc có thể nghĩ thay, làm thay con người nên con người có cơ hội “cá thể hoá”. Mỗi một cán bộ, công chức, viên chức có một phần mềm hỗ trợ vào công việc. Ông dẫn chứng, ứng dụng Facebook của mỗi cá nhân có sự khác nhau do mối quan tâm của từng người là khác nhau.
Ông cho rằng, Bộ Nội vụ có thể xây dựng được trang web “cá thể hoá” hiển thị nội dung mà từng người quan tâm.
Chuyển đổi số có 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Về Chính phủ số, ông Dũng điểm lại chặng đường 20 năm của Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản là “4 Không”. Đó là xử lý văn bản không giấy, họp không gặp mặt trực tiếp bất cứ khi nào, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc, thanh toán phí lệ phí không sử dụng tiền mặt.
Chính phủ số là Chính phủ điện tử, thêm “4 Có”. Đó là có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.
Chiến lược Chính phủ số đặt ra mục tiêu: Tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan Nhà nước hoạt động trên môi trường số; tối thiểu 70% nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý Nhà nước, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được thực hiện (mục tiêu này liên quan trực tiếp đến Bộ Nội vụ); 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn phổ cập kỹ năng số cơ bản, 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
Thành Nam