Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết tuy nhiên ăn nhiều lại khiến bạn tăng cân. Một chiếc bánh chưng với trọng lượng gần 1kg có đủ 4 nhóm thực phẩm: Gạo nếp (nhóm chất bột đường); thịt lợn, đỗ xanh (nhóm chất béo, nhóm đạm), hành củ, tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất).
Một chiếc bánh chưng trung bình khoảng 1kg sẽ có 2.600 kcal. Nếu ăn 1/8 chiếc bánh chưng, bạn sẽ nạp vào khoảng hơn 300 kcal. Như vậy 1/8 chiếc bánh chưng tương đương bữa sáng với 1 bát bún mọc (khoảng 350 kcal), 1 bát phở (khoảng 500 kcal).
Tuy nhiên, ít người ăn 1/8 chiếc bánh chưng. Trong mỗi bữa ăn ngày Tết, người ta thường ăn khoảng 1/4, thậm chí ăn 1/2 chiếc bánh. Như vậy, lượng kcal nạp vào sẽ tăng lên rất đáng kể. Không chỉ vậy, thay vì ăn bánh chưng luộc truyền thống, nhiều người có thói quen ăn bánh chưng chiên rán vì chúng có mùi vị thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Bánh chưng chiên rán với dầu mỡ thường tích tụ rất nhiều chất béo. Ăn nhiều có thể bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và khiến bạn bị tăng cân nhanh chóng ,vì cứ 10gram dầu mỡ thêm 90kcal.
Nhiều người "đổ oan" bánh chưng là nguyên nhân gây tăng cân nhưng nếu ăn một cách hợp lý bạn vẫn có thể giữ được dáng vóc như mong muốn sau kỳ nghỉ Tết. |
Tuy nhiên chúng ta thường “đổ oan” cho bánh chưng. Nếu bạn tuân thủ ăn đủ và cân đối thì bánh chưng không thể là nguyên nhân gây tăng cân. Bạn chỉ ăn khoảng 1/8 cái bánh/bữa ăn là hợp lý.
Ngoài ra, trong bữa ăn, bạn thường nạp thêm nhiều thực phẩm khác như thịt, nem nhiều dầu mỡ, giò xào rất nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, ngày Tết, ngoài bữa ăn, mỗi lần đi chơi, bạn còn dùng đồ ngọt (bánh, kẹo, nước ngọt…), các hạt có dầu (lạc, óc chó, mắc ca...) - dù đây là chất béo tốt, nhưng giàu năng lượng. Việc ăn nhiều các thực phẩm này cũng gây tăng cân.
Do vậy, ăn bánh chưng hay các loại thực phẩm khác cần phải cân đối. Ăn nhiều bánh chưng, bạn phải hạn chế thực phẩm cao năng lượng và ngược lại. Nếu ăn bánh chưng trong những ngày Tết bạn không nên ăn thêm các món giàu tinh bột khác như cơm, xôi nếp, bánh mì. Ngoài ra, cũng nên hạn chế các món chiên, xào trong bữa ăn đó.
Việc ăn bánh chưng như thế nào tùy thể trạng, tình trạng dinh dưỡng của mỗi người. Ví dụ người dư cân, muốn giảm cân ăn nên ăn ít hơn, người gầy ăn nhiều hơn chút. Tuy nhiên, chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh chưng vì bữa ăn mình còn dùng những thực phẩm khác.
Ăn bánh chưng vào buổi tối rất dễ gây chướng bụng, khó tiêu, dễ bị tích lũy và chuyển hóa thành mỡ thừa. Bánh chưng thích hợp nhất là ăn trong bữa sáng và bữa trưa. Bởi lúc này cơ thể vẫn phải hoạt động nhiều giúp tiêu hao bớt năng lượng. Khi ăn bánh nên ăn vừa phải, nếu gói bánh gia đình nên sử dụng nhân thịt nạc thay cho thịt mỡ.
Mặc dù có thể hạn chế việc tăng cân do ăn bánh chưng, thế nhưng những người béo phì hay đang thực hiện chế độ ăn kiêng không nên ăn bánh chưng.
Với các gia đình không thích hoặc không nấu bánh chưng mà dùng xôi - năng lượng cũng tương đương nhau. Theo đó, gạo nếp và gạo tẻ năng lượng gần bằng nhau khoảng 350kcal/100gram. Tuy nhiên, gạp nếp khi nấu sẽ xẹp xuống nên một bát cơm nếp sẽ có nhiều năng lượng hơn một bát cơm tẻ. Do vậy, bạn ăn xôi nhiều cũng tăng cân hơn việc ăn cơm tẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia)
Ăn măng ngày Tết thế nào để không có hại cho sức khoẻ?
Măng có nhiều chất dinh dưỡng tăng sức khỏe đường ruột nhưng cần luộc chín để loại bỏ chất gây hại.