Giờ đây chúng tôi đang đợi quyết định cuối cùng. Tôi nghĩ từ quan điểm của Philippines, có hai điều mà chúng tôi đang cẩn trọng mong đợi.

LTS: Ông Chito Sta Romana, cựu trưởng văn phòng ABC News ở Bắc Kinh, là một trong những chuyên gia của Philippines nghiên cứu về Trung Quốc và có thời gian dài theo dõi hồ sơ tranh chấp biển Đông. Trước thềm phán quyết, ông Romana chia sẻ về nội dung chính trong hồ sơ mà Philippines đệ trình lên Tòa trọng tài phụ lục VII của UNCLOS, quan điểm của Philippines và tầm quan trọng của phán quyết này đối với tranh chấp Biển Đông trong thời gian sắp tới.

{keywords}
Ông Chito Sta Romana. Ảnh: Rappler.com

Thưa ông Romana, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Luật quốc tế trong tranh chấp Biển Đông?

Dưới góc nhìn của Philippines, luật pháp quốc tế giống như người giữ cân bằng giữa các nước lớn, mạnh với các nước yếu. Chúng tôi cũng có truyền thống viện dẫn tới tòa án và các cơ quan chấp pháp quốc tế.

Chúng tôi nghĩ rằng đó là một vũ khí mạnh thể hiện lập luận của chúng tôi tại một diễn đàn có thể đương đầu với Trung Quốc. Bởi Trung Quốc cũng có cách thức thể hiện quan điểm, nhưng thiếu cơ sở vững chắc.

Tòa trọng tài tập hợp những người nổi tiếng trong lĩnh vực pháp lý. Và đó là lý do tại sao chúng tôi dựa vào luật quốc tế, ít nhất là để làm rõ ràng các vấn đề hay ít nhất là để giải quyết các vấn đề pháp lý trọng yếu mà chúng tôi không thể giải quyết trong hàng thập kỷ qua.

Philippines cuối cùng cũng phải hành động, bởi những diễn tiến xảy ra trên thực địa. Trước tiên là việc chúng tôi đã mất bãi cạn Scarborough. Đây cũng không phải lần đầu tiên. Mấu chốt đối với Philippines hiện nay là giữ vững nguyên trạng những gì chúng tôi có, và kỳ vọng thông qua luật quốc tế có thể giải quyết vấn đề này. Điều này sẽ tốn thời gian, nhưng còn tốt hơn là ngồi im, chờ đợi điều gì đó xảy ra.

Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã đến giai đoạn quan trọng. Ông kỳ vọng gì về kết luận của Tòa?

Về cơ bản Philippines đang chứng minh lập luận của mình tại Tòa trọng tài trong giai đoạn chuẩn bị ra phán quyết, rằng đường chín đoạn không có cơ sở theo luật quốc tế, và đặc biệt là theo UNCLOS. Và Trung Quốc về cơ bản đã xâm phạm quyền của chúng tôi trong vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), đơn cử như ngăn chặn các ngư dân đánh cá xung quanh Scarborough.

Tất nhiên, Trung Quốc đang vi phạm UNCLOS khi không quan tâm đến sự lo ngại chính đáng của các quốc gia ven biển khác xuất phát từ những thiệt hại do nước này gây ra khi xây dựng các đảo nhân tạo, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vùng biển là nơi có nguồn hải sản, cung cấp thủy sản cho tất cả các quốc gia ven biển. Những hành động đơn phương của Trung Quốc trong khu vực đã vi phạm quyền của các quốc gia khác.

Giờ đây chúng tôi đang đợi quyết định cuối cùng. Tôi nghĩ từ quan điểm của Philippines, có hai điều mà chúng tôi đang cẩn trọng mong đợi. (1) Liệu Tòa có ban hành tuyên bố rằng đường 9 đoạn không đứng vững theo UNCLOS và luật pháp quốc tế hay không. Hoặc họ có thể nói rằng nó có thể tồn tại nhưng chỉ mang tính chỉ dấu, hay một điểm liên quan đến yêu sách của Trung Quốc, không phải là nguồn hay cơ sở pháp lý của quyền tự do hàng hải. Theo UNCLOS, Trung Quốc có thể yêu sách các khu vực hàng hải ở Biển Đông, nhưng không nhiều quá mức như đường chín đoạn. Đây là một vấn đề quan trọng, mang tính cốt lõi.

Thứ hai, với các thực thể địa lý tại Trường Sa, chúng tôi xem đó phần lớn là đá, vốn chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý, hoặc bãi nửa chìm nửa nổi vốn không có quyền hạn gì ngoài vùng an toàn 500 mét. Và như vậy Philippines sẽ không có bất kỳ vấn đề chồng lấn EEZ với Trung Quốc. Khi đó vấn đề thực sự sẽ được thu hẹp, sẽ không có những tranh chấp như chúng ta đang chứng kiến.

Từ quan điểm Philippines, chúng tôi quan tâm những vấn đề này, bởi chúng liên quan đến hai khía cạnh. Một là vấn đề bãi cạn Scarborough. Nếu nó là một tảng đá, thì Trung Quốc không thể duy trì nó như một hòn đảo và chúng tôi sẽ giải quyết toàn bộ vấn đề chủ quyền sau. Nhưng ít nhất bên ngoài 12 hải lý đó, sẽ có một phần thuộc EEZ của Philippines.

Điều thứ hai liên quan đến bãi Cỏ Rong (1), mà tại đây nguồn năng lượng và nguồn khí đốt tự nhiên là hai yếu tố quan trọng. Philippines muốn phát triển bãi Cỏ Rong bởi nó chỉ cách Philippines 100 hải lý. Nếu nó được xác nhận là của chúng tôi, một phần thuộc EEZ của chúng tôi, thì sau đó việc thăm dò chung sẽ trở nên khả thi. Hiện tại, chúng tôi có luật liên doanh (60-40).

Trung Quốc hoặc các nước khác có tham gia đến 40%, nhưng chúng tôi duy trì 60% theo luật Philippines. Hiện nay Trung Quốc nói bãi Cỏ Rong là của họ, vì vậy họ sẽ không chia sẻ. Như vậy, một trong những điều mà Tòa nên phán quyết rõ các thực thể là đá hay đảo, EEZ của chúng tôi chồng lấn hay không. Những vấn đề này, cộng với vấn đề đường chín đoạn, là những điều chúng tôi đang mong đợi từ Tòa.

Vậy ông nhìn nhận thế nào về quyết định của Tòa trọng tài thường trực PCA liên quan đến tính hợp pháp của bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc?

Tôi chỉ có một hy vọng, không hẳn là dự đoán. Philippines khá tự tin rằng đường chín đoạn sẽ không thể tồn tại dưới ánh sáng luật quốc tế. Tòa trọng tài cũng có thể quyết định rằng nó không thể là biên giới trên biển, không phải là nguồn của Luật biển quốc tế, mà chỉ là sự đề cập về những đảo, đá, rặng, bãi ngầm và vùng nước của Trung Quốc mà nước này có thể tuyên bố căn cứ trên UNCLOS.

Tuy nhiên, thậm chí nếu Tòa trọng tài tuyên bố đường 9 đoạn bất hợp pháp, ngay cả khi họ xóa đường 9 đoạn, tranh chấp về lãnh thổ vẫn sẽ không kết thúc. Vì thế, chúng ta nên cân nhắc các kỳ vọng và nên nhìn nhận thực tế rằng phán quyết của phiên tòa sẽ giải quyết các khía cạnh hàng hải của tranh chấp với một mức độ nhất định.

Song dù những tranh chấp lãnh thổ và vấn đề phân định biển vẫn tồn tại, ít nhất chúng tôi cũng làm rõ được các thực thể trên biển. Và điều này rất quan trọng với Philippines, là niềm hy vọng cốt yếu của chúng tôi đối với Tòa trọng tài.

Nguyễn An (thực hiện)

---------