Những chuyến đi đó đã để lại nhiều câu chuyện thú vị trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng tàu giúp cư dân kiên cường bám biển, vừa mưu sinh, vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo quốc gia. Đặc biệt, tình cảm, sự sát sao của Chủ tịch Nước đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân lần đầu tiên gặp người đứng đầu Nhà nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Lên rừng để lo chuyện nông thôn mới
Nếu nhắm mắt lại, chỉ dùng tai để nhận biết thì bạn sẽ nghĩ đây là một câu chuyện làm ăn của 2 lão nông. Một Nam- một Bắc đang tính nuôi bò giống.
Ông giọng Nam: Ở vùng núi này thu nhập 1 triệu/1 tháng có được không?
Ông giọng Bắc: Nhà tôi nuôi 2 con bò. Sau năm rưỡi là nó đẻ. Bê con 15 triệu. Mỗi tháng nuôi, tôi lãi 2 triệu. Bà một triệu. Ông 1 triệu. Vậy là quá được rồi!
Ông giọng Nam: Vậy nuôi 5 năm là đổi đời! Mà chỉ đầu tư giống ban đầu có 20 triệu.
Rồi ông nói to hơn cho mọi người xung quanh nigh rõ: Các bạn có thấy không, mình giúp mỗi gia đình một con giống, chỉ 5 năm sau họ đổi đời. Tôi mong lần sau tôi tới, nhà sẽ có năm, bảy con bò.
Ông giọng Bắc: Nhất định rồi, lần sau Chủ tịch đến, nhà tôi sẽ có một đàn bò.
Đây là câu chuyện thật xảy ra những ngày cận Tết Ất Mùi tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Người đàn ông giọng Bắc là ông Hoàng Ngọc, 75 tuổi, cựu chiến binh. Còn giọng Nam là của Chủ tiijch nước Trương Tấn Sang. Cuộc trò chuyện đầm ấm được ghi lại khi Chủ tịch Nước thăm động viên bà con đang xây dựng nông thôn mới.
Tại Hội nghị báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới ở 3 xã: Tân Trào (Tuyên Quang), Vĩnh Thạch (Quảng Trị), Hoà An (Đồng Tháp), diễn ra tại xã Tân Trào cuối tháng 1.2015, Chủ tịch Nước cho biết, theo đề nghị của Bộ NNPTNT – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng nông thôn mới – Chủ tịch Nước đã vận động một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp hỗ trợ 3 xã Tân Trào, Vĩnh Thạch, Hoà An, giúp các xã này đạt chuẩn, trở thành các xã nông thôn mới tiêu biểu, có sức lan toả, đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn chung của cả nước.
Xuống biển để nghe tiếng dân
Chỉ riêng trong năm 2014, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã có 5 chuyến “xuống biển”. Không chỉ gặp lãnh đạo cấp tỉnh, nigh báo cáo, mà Chủ tịch Nước đã đến tận các làng chài xa xôi, trao đổi với những ngư dân trực tiếp đi biển. Tháng 4.2014, Chủ tịch Nước đã đến với ngư dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) và ra đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) để tường tận câu chuyện sống động nhất của cư dân chuyên đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Tháng 7.2014, Chủ tịch Nước lại thăm hỏi nhân dân huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Tháng 9, Chủ tịch Nước ra tận đảo Thổ Chu, Rạch Giá (Kiên Giang) nơi cực nam của Tổ quốc, rồi về với ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)…
Việc Chủ tịch Nước đến thăm, quan tâm đến từng địa phương, người dân là bình thường, nhưng điều bất ngờ của cả lãnh đạo và nhân dân các địa phương với Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang là sự gần gũi, sát thực tế của ông. Nhiều ngư dân ngoài đảo, cả đời chưa từng biết mặt lãnh đạo huyện, tỉnh, giờ được trò chuyện, nắm tay Chủ tịch Nước, được nói lên những tâm tư, đề đạt rất nhỏ của mình. Sự tận tình từ lãnh đạo cấp cao đã là nguồn động viên, khích lệ lớn, tạo được niềm tin thực sự trong lòng dân.
Để rồi, ngay sau đó, khi Chính phủ triển khai hàng loạt chính sách mới liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội các vùng biển đảo đã có những điều rất cụ thể, chi tiết và sát với nhu cầu bức xúc của các địa phương. Đặc biệt chính sách liên quan đến việc cho vay vốn, đóng mới tàu vỏ sắt, các điều kiện ưu đãi để phát triển ngành khai thác, chế biến thuỷ - hải sản, giúp cư dân có điều kiện và yên tâm ra khơi, bám biển… đã được triển khai nhanh, có được sự đồng thuận cao từ cấp trung ương đến cơ sở, từng người dân và ai cũng nhận ra rằng, những chính sách mới của Chính phủ, Nhà nước đã đến nhanh, hợp với nguyện vọng người dân có một phần nhờ những chuyến thị sát xuống tận biển, lên tận rừng của những chính khách như Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
Theo Anh Phương - Thanh Hải/ Báo Lao động