Nếu tiếp tục tuân theo cái quan niệm “đóng cửa bảo nhau” mà lẳng lặng cắn răng chịu đựng sự vô lý thì cả cuộc đời người con cũng sẽ khốn khổ, chưa kể làm khổ lây bao người khác.
Mấy ngày qua, sự kiện ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng quay clip tâm sự chuyện bao năm phải trả nợ cho người mẹ ham mê cờ bạc, với tổng số tiền lên tới 20 tỷ đồng đã làm dấy lên nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh chữ “Hiếu”.
Là một người đã làm cha, tôi thấy mình không thể bàng quan. Mong rằng qua việc bàn luận một câu chuyện cụ thể này, chúng ta có thể sáng tỏ đôi điều.
Sự kiện ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng live stream tố cáo mẹ ruột cờ bạc nợ nần khiến anh phải trả nợ thay trong nhiều năm đang gây xôn xao dư luận. |
Đừng đứng trên bờ phán xét
Có ý kiến cho rằng dù mẹ có làm những điều tồi tệ thì cũng không nên làm vậy. Mẹ là duy nhất trên đời, là người thân yêu nhất và cũng là người cho ta cuộc sống này, không nên “đấu tố” mẹ trước công luận.
Tuy nhiên, trước khi phán xét người khác, phải chăng việc đầu tiên chúng ta nên làm là đặt bản thân vào vị trí của người đang “trong chăn”.
Khi nhìn thấy một người đang chới với dưới nước, bạn có thể sẽ buột miệng: “Sao không bơi, đập chân đi, đập tay đi!” Thậm chí có người sẽ bình luận sau khi nạn nhân đã chết đuối: “Sao không học bơi từ trước?” Song ai hiểu được phút giây sinh tử của người gặp nạn, có thể nước quá lạnh khiến tay chân anh tư cứng đờ; hoặc một cơn đau tim nghiệt ngã, hoặc bất cứ điều gì…
Vậy khi một sự kiện xảy ra, bạn nắm được bao nhiêu thông tin để phán xét? Hơn nữa, sự chịu đựng mỗi người một khác. Có thể bạn thấy 20 tỉ và việc trả nợ thay cho mẹ suốt nhiều năm ròng là nhỏ và cách chia sẻ câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng là không đúng với đạo làm con. Nhưng dùng ngưỡng chịu đựng của mình để phán xét người khác là không công bằng. Cũng giống như chuyện bơi vậy, có những người có thể bơi cả trăm mét dưới làn nước Nam Cực buốt giá, trong khi nhiều người xuống nước là chìm.
Cha mẹ còn phải là người thầy của con
Khi người con được sinh ra, ấy là một niềm hạnh phúc của cha mẹ. Con cái sinh ra biết ơn cha mẹ bởi công sinh thành, nhưng chỉ vì thế mà cắn răng chịu đựng mọi sự sai trái của bố mẹ thì lại là việc khác.
Hơn nữa, làm cha mẹ với nghĩa đầy đủ thì không chỉ dừng ở mặt sinh học, sinh ra một con người cứ nghĩ mình đã có công, muốn hành "con nợ" thế nào cũng được. Sinh ra rồi vứt vào đống rác, quẳng trước cửa chùa hay lấy tiền của con phung phí vào tệ nạn là có tội. Nhiều người lên án Đàm Vĩnh Hưng nhưng họ chỉ cố tình nhìn vấn đề một chiều. Là cha, là mẹ còn cần phải là người thầy của con, là chỗ dựa tinh thần của con chứ không phải là “chủ nợ” của con.
Nếu để cha mẹ nghèo khổ, ốm đau không ngó ngàng trong khi mình đang khá giả, ấy là bất hiếu, là vô đạo. Nhưng trả nợ cho một người mẹ phung phí đồng tiền lao động của mình vào những thú vui sai trái là một sự mù quáng, thậm chí có thể gọi là Ngu Hiếu.
Mặt khác chúng ta cũng cần có sự phân biệt rạch ròi. Giả sử Đàm Vĩnh Hưng dựng chuyện, thì ấy là một điều xấu xa, bất nhân, bất hiếu đáng khinh bỉ. Nhưng nếu anh công khai một sự việc xấu xí có thật, ấy không phải là nói xấu. Một nạn nhân chịu một điều bất công, nỗi day dứt suốt 30 năm chẳng lẽ không có quyền lên tiếng trước công luận?
Nếu tiếp tục tuân theo cái quan niệm “đóng cửa bảo nhau” mà lẳng lặng cắn răng chịu đựng sự vô lý thì cả cuộc đời người con cũng sẽ khốn khổ, chưa kể làm khổ lây bao người khác. Thông tin như một dòng nước, càng được trao đổi thì những ao tù mới có cơ hội được rửa sạch.
Đoàn Bảo Châu