Học bổng toàn phần thạc sĩ và tiến sĩ của nữ sinh Việt

Là em út trong gia đình 3 chị em gái ở Hải Phòng, Trà My được cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng nhất. Vào những năm học cuối cấp 2, nhận thấy con gái có thành tích học tập không tốt, cha mẹ đã kèm cặp và đầu tư rất nhiều công sức để giúp Trà My định hướng được con đường phía trước. Đặc biệt, phụ huynh của Trà My rất nghiêm khắc để cô gái học cách tự lập từ sớm.

 “Sự quan tâm và dạy bảo từ gia đình cho việc học tập đã dạy mình rằng thành công là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ và tính kỷ luật”. 

nghien cuu sinh 1.jpg
 Trần Trà My đã có hành trình hơn 10 năm theo học các trường ĐH top đầu của Trung Quốc.

Bài học đầu đời này đã trở thành kim chỉ nam để Trà My vượt qua những thách thức phía trước trong hành trang giáo dục ở Trung Quốc. Sự rắn rỏi được rèn luyện trong khoảng thời gian “chập chững” vào đời là nét tính cách nổi bật trong dấu ấn cá nhân của cô nàng đất cảng.

Hành trình vươn ra “biển lớn” của Trà My bắt đầu vào năm 2010, với việc giành được học bổng TP Bắc Kinh tại ĐH Giao thông Bắc Kinh- trường trọng điểm top đầu tại Trung Quốc. 

Đây không đơn thuần là một sự lựa chọn hay sự tò mò sâu sắc về văn hóa Trung Quốc. Đó là sự định hướng và truyền thống gia đình với mong muốn con gái có thể dấn thân trong lĩnh vực thương mại quốc tế tại nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. 

Sau đó, cô nàng tiếp tục xuất sắc giành học bổng toàn phần chính phủ Trung Quốc để theo học thạc sĩ và tiến sĩ. 

“Mình có một quãng đường không ngắn gắn bó, học tập và làm việc tại Bắc Kinh. Khi mới đến thành phố này chỉ là một cô sinh viên học tiếng Trung. Đó là khoảng thời gian miệt mài không ngừng nghỉ và mỗi ngày đều mang đến những bài học mới, cả trong và ngoài giảng đường". 

Chuyện tình với chàng “chăn lợn” nhờ mai mối

Chia sẻ với VietNamNet, Trà My cho biết, cô vừa kết hôn vào tháng 9 và chồng là một chàng trai đến từ thành phố Ngân Xuyên ở phía Tây Bắc Trung Quốc. Câu chuyện tình của hai người cũng khởi nguồn từ một chữ “duyên”.

nghien cuu sinh 2.jpg
Cô nàng đất cảng lên duyên với chàng trai xứ Trung.

“Năm 2019, mình có đi phiên dịch cho tập đoàn của chồng mình ở Bắc kinh và có quen với các sếp của anh ấy. Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến, mình phải quay trở về Việt Nam và học online. Trong một lần tình cờ, mình đã gặp lại sếp của chồng mình tại TP.HCM, trò chuyện và người quản lý này đã kết nối chúng mình với nhau”.

Bắt đầu từ những tin nhắn trao đổi, đến những buổi hẹn hò rồi những lần ra vượt hàng ngàn km để ra mắt gia đình họ hàng hai bên, Trà My cùng chồng đã quyết định đồng hành cùng nhau trên chặng đường phía trước.

nghien cuu sinh 3.jpg
 Mẹ của Trà My chuẩn bị cho con gái trước ngày về nhà chồng. 

“Chồng mình là con một, bố là công chức và mẹ làm kinh doanh. Anh ấy theo học và làm việc về chuyên ngành chăn nuôi 4 năm tại Mỹ. Sau khi trở về, anh được tập đoàn điều qua Việt Nam làm việc, hiện tại đang giám đốc quản lý nông trại heo với diện tích hơn 75 ha và sở hữu hơn 135.000 con heo lái tại Bình Phước- trang trại có quy mô lớn nhất Đông Nam Á”.

“Mình thường đùa chồng mình rằng, đúng là câu chuyện cổ tích ‘hoàng tử chăn lợn’ đã thành hiện thực”. Trà My dí dỏm nói.

Chính vì là con một nên lễ cưới được gia đình nhà trai tổ chức rất chu đáo và trọng thể. “Tổ chức đám cưới bên này mình thấy nhiều thủ tục hơn ở Việt Nam. Rất may mắn có bố mẹ chồng giúp đỡ nên bọn mình thấy ‘nhẹ nhõm’ hơn vì được tối giản đi nhiều. Mình đặc biệt phấn khích khi đón dâu được đốt rất nhiều pháo và có phong tục chặn cửa, đòi hồng bao lì xì khi nhà trai đến rước dâu”.

nghien cuu sinh 4.jpg
nghien cuu sinh 41.jpg
Khởi đầu từ đam mê với văn hóa, cô gái trẻ năm ấy sẽ chẳng bao giờ ngờ được mình sẽ bén duyên tại xứ người.

Giao thoa với nền văn hóa có những nét tương đồng, Trà My cảm thấy không quá khó khăn để dung hòa và tiếp nhận. 

“Mẹ chồng mình còn khá trẻ, bà có cái nhìn khá thoáng và hiện đại của người làm kinh doanh nên hầu như không gặp phải căng thẳng gì về vấn đề mẹ chồng- nàng dâu. Trái lại, bà luôn cảm thông, động viên các con. Trải qua nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập cũng như công việc, giờ mọi thứ đã ổn định và mình đang trên con đường khởi nghiệp cho riêng mình”. Trà My chia sẻ. 

Tiếp nối truyền thống thương nghiệp của gia đình, cô gái cùng một số người bạn đã khởi nghiệp và mở một công ty mậu dịch dịch thuật thương mại xuất- nhập khẩu Việt- Trung. 

nghien cuu sinh 8.jpg
 Trà My đã đi đến 15 tỉnh thành phố của Trung Quốc, mỗi nơi lại để lại cho cô gái những trải nghiệm khó quên.

“Mình đã chứng kiến cả khó khăn và thành quả mà mẹ đã đạt được qua nhiều năm vất vả kinh doanh. Mẹ mình là người chủ gia đình, bà đã truyền cảm hứng lớn nhất và động lực to nhất để mình noi theo và khởi nghiệp”.

Dấn thân khởi nghiệp với tinh thần không ngại khó, gia đình là chỗ dựa vững chắc và được trao quyền và cơ hội, Trà My tin phụ nữ hoàn toàn có thể đạt được những thành quả đáng nể không kém cánh mày râu.

Sau khi tốt nghiệp năm 2024, Trà My và chồng dự định sẽ định cư tại TP.HCM để cùng nhau làm việc.  

“Anh ấy sau một thời gian làm việc ở Việt Nam, rất thích văn hóa Việt và đã coi đây là ngôi nhà thứ hai. Cũng giống như chính bản thân mình vậy, sinh sống và học tập hơn thập kỷ tại Bắc Kinh, nơi đây đã trở thành một phần ký ức không thể phai trong những năm tháng tuổi trẻ của mình”.

Tử Huy