Mới đây, người đàn ông 50 tuổi (trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) được vợ đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy với triệu chứng mệt, đau tức ngực. Khi các bác sĩ đang tiến hành khám chẩn đoán, bất ngờ bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Người này được chuyển từ khu khám bệnh về Khoa Cấp cứu để ép tim ngoài lồng ngực.

Sau 20 phút, người bệnh có tim đập trở lại. Các bác sĩ nhanh chóng can thiệp mở nội khí quản cho bệnh nhân, chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nhân viên y tế đi cùng theo dõi chặt chẽ.

Tại đây, người đàn ông ngừng tim thêm lần nữa. Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim liên tục 10 phút mới có tim đập trở lại nhưng tình trạng hết sức nguy kịch. Bác sĩ nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào phòng can thiệp mạch.

Qua chụp máy, bác sĩ phát hiện người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp cần can thiệp đặt stent để mạch máu thông thoáng, cấp máu về tim và duy trì các biện pháp hồi sức tích cực chuyên sâu như thở máy, hạ thân nhiệt. Sau 9 ngày điều trị, nam bệnh nhân đã bình phục.

Bác sĩ Phùng Thị Thúy Nga, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, cho biết khi nam bệnh nhân ngừng tuần hoàn có dấu hiệu nguy hiểm tính mạng, các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến với bệnh viện tỉnh. Đồng thời, ê-kíp bác sĩ 2 bệnh viện phối hợp vận chuyển người bệnh lên tuyến an toàn, có sự chuẩn bị sẵn.

Tiến sĩ, bác sĩ Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết bệnh nhân này may mắn khi ở tình trạng cấp cứu, gia đình đã đưa đến Trung tâm y tế huyện Thanh Thuỷ là nơi gần nhất, sau đó mới chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Nếu người nhà chuyển thẳng lên tuyến trên với quãng đường xa có thể người bệnh sẽ ngừng tim trên đường và không được cấp cứu kịp thời, đúng cách, nguy cơ tử vong rất cao.

Nhồi máu cơ tim cấp là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là người mắc bệnh mạch vành. Triệu chứng đau thắt ngực rất rõ ràng, cảm giác như bị bóp nghẹt cùng với khó thở khiến người bệnh đau đớn, quằn quại hoặc nằm gục.

Ngoài ra, bệnh nhân còn các triệu chứng như khó thở, tức nặng ngực, đổ mồ hôi lạnh, nhịp tim đập nhanh, choáng váng, chóng mặt đột ngột, buồn nôn và nôn, đau lan ra ngực, lưng, hàm và các khu vực khác của nửa trên cơ thể.

Sau thời gian khoảng 20 phút không được cấp máu và oxy, tế bào cơ tim có thể bị tổn thương không thể phục hồi. Vì vậy thời gian cấp cứu y tế vô cùng quan trọng, quyết định cứu sống và hạn chế di chứng cho bệnh nhân.

Clip bác sĩ 2 bệnh viện nỗ lực cấp cứu người đàn ông. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.