Ngày 30/8, theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), các bác sĩ liên tiếp cấp cứu cho hai bệnh nhân bị rết cắn khi đang làm việc tại gia đình.

Cụ thể, bệnh nhân N.T.T. (65 tuổi, trú tại thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ) bị rết chui vào trong ủng cắn khi đang làm vườn. Người thân đã đưa bà T. vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau nhức, nôn ói, tức ngực.

Trường hợp khác là nữ bệnh nhân tên V.T.D. (78 tuổi, trú tại xã Sơn Hùng) vào viện trong tình trạng đau nhức sưng nề tay, toàn thân mệt, buồn nôn. Theo người bệnh, khi đang thu dọn đồ đạc ở góc nhà, bà bị một con rết cắn vào tay. 

cấp cứu rết cắn.png
Bác sĩ khám cho nữ bệnh nhân bị rết cắn. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Mai Giang Nam, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, sau 1-2 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và có thể xuất viện.

Vị bác sĩ này cho biết rết là loài vật khá hung dữ và dễ tấn công con người nếu vô tình chạm phải. Người bị rết cắn có thể gây dị ứng da, sưng, nóng, đỏ đau tại vết đốt. Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với côn trùng đốt có thể gặp phải tình trạng chóng mặt, ù tai, sốt, thậm chí sốc phản vệ.

Do đó, khi bị côn trùng cắn, người dân cần rửa sạch vết thương, vết cắn dưới vòi nước chảy, có thể dùng thêm xà phòng và rửa lại bằng nước sạch, sau đó chườm lạnh tại chỗ giúp giảm sưng, đau.

Nếu vết cắn lớn và có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Lưu ý, không xoa bóp xung quanh vết thương để tránh làm chất độc phát tán nhanh, không tự ý đắp hoặc bôi thuốc.