Năm 2016, Tập đoàn công nghệ CMC bắt đầu chiến lược tiến ra thị trường quốc tế với nền móng là bộ phận xuất khẩu phần mềm gồm 50 nhân viên. Tháng 3/2017, CMC Global được thành lập với văn phòng đầu tiên tại Nhật Bản. Trải qua 6 năm phát triển, CMC đã đạt kết quả ấn tượng với doanh số hơn 1.350 tỷ đồng và hơn 500 khách hàng từ thị trường quốc tế với nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách Forbes 500. 

Dấu ấn phát triển thần tốc từ sức trẻ

Ông Đặng Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc CMC Global cho biết, đội ngũ nhân sự của công ty có độ tuổi trung bình 27 - 28, mang trong mình tinh thần máu lửa, đã có kinh nghiệm làm việc trên 10 năm trong lĩnh vực công nghệ nên đã bắt nhịp nhanh khi ra quốc tế. 

“Đằng sau chúng tôi là Tập đoàn CMC có nền tảng 30 năm với thương hiệu mạnh, lãnh đạo có tầm nhìn rõ ràng nên CMC Global tiến ra quốc tế tương đối thuận lợi. Thêm nữa công ty đang đi đúng vào làn sóng chuyển đổi số giúp mang lại những thành quả ngọt ngào”, ông Đặng Ngọc Bảo chia sẻ.

 Ông Đặng Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc CMC Global

Những năm gần đây nhu cầu đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực. Nhờ xu hướng này, CMC Global có thêm nhiều hợp đồng lớn, là doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần khá tốt tại thị trường Australia và Hàn Quốc.

 Thị trường của CMC Global 

Nằm trong chiến lược chung của tập đoàn, ngoài 3 thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Á Thái Bình Dương, CMC Global chủ động tìm kiếm cơ hội mới, ưu tiên phát triển theo chiều sâu công nghệ số.

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch CMC cho biết, Go Global là hướng đi chiến lược của CMC nhiều năm qua. Để trở thành một công ty toàn cầu vào năm 2025, CMC cần xây dựng năng lực quản trị, hoạt động, văn hóa làm việc ở cấp độ toàn cầu. 

Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, bắt nhịp làn sóng công nghệ mới

Với mục tiêu cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu khu vực, CMC Global nỗ lực phấn đấu đi đầu làn sóng công nghệ mới với các dịch vụ tiêu biểu như: xuất khẩu phần mềm cho hơn 500 khách hàng tên tuổi trên thế giới, dịch vụ điện toán đám mây với gần 200 kỹ sư được chứng nhận bởi AWS. 

 Sức trẻ từ đội ngũ nhân sự của CMC Global

Ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, bên cạnh các chỉ số về quy mô, doanh thu hay nhân sự thì điều cốt lõi khi đi ra quốc tế là CMC Global cần được nhắc đến qua các dịch vụ cung cấp, qua giá trị mang lại cho khách hàng, đồng hành cùng hành trình đi đến thành công.
6 năm đi ra quốc tế, so với những tên tuổi lớn trên thị trường CNTT Việt Nam thì hành trình của CMC chỉ mới bắt đầu. Nhưng với định hướng linh hoạt tìm kiếm cơ hội, CMC Global đã gặt hái nhiều kết quả cùng nhiều giải thưởng ấn tượng. 

 Các con số thành công của CMC Global năm 2022

Nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo mật và quy mô của các dự án quốc tế, CMC Global đã xây dựng 3 trung tâm phát triển phần mềm quốc tế (GDC) đạt chuẩn ISO 9001/2015, ISO 27001/2013 và CMMi level 3 tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Tính đến tháng 3/2023, CMC Global là đối tác bản địa đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận mảng Analytics và hiện sở hữu 6 chứng chỉ Microsoft, đứng đầu trong các đối tác Việt Nam.

CMC Global hiện cũng nằm trong Top 2 doanh nghiệp IT outsourcing Việt Nam, chứng minh vị thế với các sản phẩm công nghệ vượt trội giúp khách hàng chuyển đổi số hiệu quả. Công ty đặt mục tiêu năm 2025 sẽ có 7.500 nhân tài CNTT, doanh thu 300 triệu USD với 50% đóng góp từ dịch vụ chuyển đổi số, trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu khu vực.

 CMC Global nhận giải “Lá cờ đầu” nhân kỉ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn CMC

Trong dịp lễ kỉ niệm 30 năm thành lập tập đoàn CMC, CMC Global vinh dự nhận bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam; và giành giải Lá cờ đầu của tập đoàn CMC lần thứ 3 liên tiếp. 

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch CMC chia sẻ: “Chúng tôi tự hào có khối kinh doanh quốc tế CMC Global thần kỳ tăng trưởng 100 lần trong 5 năm với 3000 kỹ sư, lọt Top 2 công ty ITO, cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng Top 500 thế giới, đưa Việt Nam trở thành Digital HUB của không chỉ APAC mà còn là của thế giới”. 

Thúy Ngà